Công đoàn dệt may Việt Nam: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động nữ
Theo lãnh đạo Công đoàn DMVN, dệt may là ngành có đông lao động nữ, thực hiện công tác bình đẳng giới giữ vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của ngành. Trên cơ sở Nghị quyết 28/NQ-CP của Chính phủ, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Công đoàn DMVN đã triển khai, hướng dẫn CĐCS các nội dung quan trọng để góp phần thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Tuyên dương các gia đình dệt may tiêu biểu |
Cụ thể, các cấp CĐCS cần tăng cường tuyên truyền đối với công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó, hướng tới đối tượng nam giới, cán bộ CĐCS về Luật bình đẳng giới; vì sự tiến bộ của phụ nữ; những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong xã hội như bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em... Đồng thời, chú trọng thực hiện những nội dung về bình đẳng giới; chính sách đối với lao động nữ; phòng, chống quấy rối nơi làm việc; tạo điều kiện cho lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ... được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
CĐCS tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, nhất là tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đông nữ CNVCLĐ. Ngoài ra, các cấp công đoàn cần tạo điều kiện cho lao động nữ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Kịp thời phát hiện, giới thiệu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp những nữ CNVCLĐ tiêu biểu, đủ điều kiện để bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Giới thiệu nữ CNVCLĐ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội phụ nữ cùng cấp thực hiện tốt công tác nữ công công đoàn.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn ngành cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 03 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Tuyên truyền, vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo; phấn đấu đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen - Giải thưởng mang tên Bà tổ ngành may...
Tổ chức hoạt động tư vấn, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc, nuôi con nhỏ. tuyên truyền, vận động CNVCLĐ sinh đủ 2 con, không lựa chọn giới tính thai nhi. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho lao động trẻ. Tuyên truyền về trách nhiệm của nam giới trong việc chia sẻ việc nhà, chăm sóc, nuôi dạy con nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn DMVN - cho biết, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 là một “mắt xích” quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Để đạt được kết quả như mục tiêu chiến lược đề ra, cần có sự thay đổi về nhận thức của mỗi người; chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, các cấp công đoàn DMVN sẽ tổ chức hoạt động nhân dịp Ngày gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm; lựa chọn gia đình CNVCLĐ tiêu biểu đề nghị Công đoàn DMVN tôn vinh, khen thưởng “Gia đình Dệt May tiêu biểu”; động viên khen thưởng con NLĐ vượt khó, học giỏi, đạt thành tích xuất sắc trong học tập... |