"Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những hành động quyết liệt hơn của Bộ trưởng!"
Tin hoạt động 06/01/2017 17:38
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đẩy mạnh công tác truyền thông tại Bộ, đặc biệt là những chỉ đạo sát sao cơ quan ngôn luận của Bộ là Vuasanca |
4 mục tiêu thực hiện
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đưa ra 4 mục tiêu thực hiện để ngành Công Thương góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 đạt 6,7%. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8 - 9%; xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức 6-7% được giao; nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% kim ngạch xuất khẩu được giao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10-11%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo |
Theo Bộ trưởng, các mục tiêu trên được lựa chọn trên cơ sở phân tích các diễn tiến của thực tế trong nước và trên thế giới, trong đó đặc biệt lưu ý những bài học kinh nghiệm của năm 2016.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương sẽ khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ đưa ra chủ trương tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; đồng thời cam kết cùng các bên liên quan giảm bớt các thủ tục hải quan; trợ giúp các doanh nghiệp về thông tin và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại.... Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xử lý các vấn đề tồn tại ở các dự án đầu tư kém hiệu quả, báo cáo Chính phủ quyết định và sớm giải quyết dứt điểm. |
Đồng thời với việc xác định các mục tiêu cho toàn ngành trong năm 2017, nhiều giải pháp thực hiện cũng được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu bật tại hội nghị. Theo đó năm 2017, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2016 - 2020, Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020, Chương trình Xúc tiến thương mại trong nước...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng |
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sẽ đổi mới căn bản công tác xúc tiến thương mại, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới các thị trường là đối tác có FTA, hướng tới các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế và còn dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu. Chủ trương này của Bộ Công Thương đã nhận được sự nhất trí và đánh giá rất cao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị.
Cùng với sự nỗ lực cao nhất của toàn ngành Công Thương trong việc thực hiện các mục tiêu của năm 2017, tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu 11 đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đáng chú ý là xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định tăng vốn điều lệ của EVN.
Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ (GGU) đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại).
Xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho ngành dầu khí, ngành than, phân bón...; rà soát các mức thuế, phí hiện đang áp dụng đối với ngành than; xem xét, điều chỉnh Nghị định số 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may...
Ngành Công Thương cần hướng tới những tầm nhìn mới
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những thành tích đáng khích lệ của ngành Công Thương trong năm 2016 - năm mà nền kinh tế cả nước gặp những khó khăn chưa từng có. Thủ tướng đặc biệt biểu dương những nỗ lực của ngành trong việc tháo gỡ các thủ tục hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Thủ tướng đánh giá cao sự đoàn kết trong toàn ngành Công Thương và khẳng định:“Trong thành công của cả nước năm 2016 với việc đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế có đóng góp quan trọng của ngành Công Thương”.
Thủ tướng dành nhiều thời gian trong bài phát biểu nhấn mạnh đến một số điểm sáng trong hoạt động của ngành Công Thương năm 2016. Đó là công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng (tăng 11,2%, so với tốc độ tăng 10,5% cùng kỳ). Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao (tăng 10,2%, so với 9,72% cùng kỳ). Tạo thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng được thực hiện cơ bản tốt, dù còn mặt này mặt khác.
Về tầm nhìn thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Đó là phát triển nền công nghiệp Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch từ nền công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
Một tầm nhìn nữa, theo Thủ tướng, là muốn tạo ra sự thay đổi với sức cạnh tranh mạnh mẽ thì phải bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo, trong đó có thành viên là Bộ Công Thương.
Đi sâu thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu một số nhiệm vụ cụ thể với ngành Công Thương. Theo đó, tập trung giải quyết dứt điểm và “sớm thoát ra được” 12 dự án thua lỗ, neo được trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện tốt, thực hiện gương mẫu các Nghị quyết số 19, 35 của năm 2016 và Nghị quyết 01 của năm 2017 của Chính phủ. Bảo đảm các cân đối lớn về điện, than, dầu khí không chỉ trong ngắn hạn mà tiến tới trung hạn và dài hạn. Tiếp tục hội nhập quốc tế nhanh chóng hơn, quan tâm đến thị trường tiêu thụ và làm cho các nước hiểu hơn về các sản phẩm của Việt Nam. Nâng cao chất lượng quản lý thị trường, nhanh chóng tổ chức lại thương mại biên giới, thương mại điện tử. Đạt và vượt chỉ tiêu xuất nhập khẩu mà Quốc hội đã giao. Tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn để có sản phẩm Việt Nam mang tầm quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra.
Thủ tướng lưu ý, ngành Công Thương cần xây dựng hàng rào thương mại đúng pháp luật để bảo vệ hàng trong nước, huy động được mọi thành phần kinh tế tạo thêm động lực cho tăng trưởng, phát huy tốt vai trò tham tán thương mại, vai trò của các hiệp hội ngành hàng, xây dựng được thương hiệu tốt cho quốc gia, xây dựng được nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Liên quan đến các kiến nghị của Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành địa phương nêu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đó là các kiến nghị rất xác đáng và bày tỏ sự ủng hộ. Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, giải quyết, cái nào vượt thẩm quyền cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết rốt ráo.
“Cộng đồng doanh nghiệp hết sức vui mừng với những chuyển động mạnh mẽ tại Bộ Công Thương, mà bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo là động thái mới nhất. Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những hành động quyết liệt hơn nữa của Bộ trưởng, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế” - Thủ tướng thẳng thắn.