Trước bối cảnh thời tiết ngày càng biến động khắc nghiệt, đô thị hóa, thiếu hụt lao động nông thôn thì song hành với việc chọn tạo ra các giống cây trồng có tiềm năng năng suất cao, một trong những yêu cầu đặt ra cho các nhà chọn tạo giống là làm sao giúp cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận như sâu hại, cỏ dại và giảm thiểu các yếu tố đầu vào trong quá trình canh tác. Công nghệ ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ ra đời và được cấp phép ứng dụng tại Việt Nam là một trong những công cụ hữu hiệu phục vụ mục tiêu này.
Trên thế giới trong vòng gần hai thập kỷ qua, công nghệ được lựa chọn bởi hơn 18 triệu nông dân này đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc giảm chi phí canh tác cũng như các tác động tới môi trường.
Trong năm 2015, hàng vạn nông dân Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới trong nông nghiệp này thông qua Chương trình “Chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ” do Công ty Dekalb Việt Nam đầu tư. Gặp gỡ và trao đổi với 7 hộ nông dân canh tác ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ đầu tiên rộng 6 héc ta tại địa bàn tỉnh Phú Thọ, có thể dễ dàng nhận thấy sự vui mừng và hồ hởi khi được đón nhận công nghệ mới trong canh tác nông nghiêp. Nông dân Trần Mạnh Linh cho biết: “Gia đình tôi đã trồng ngô tại khu vực này nhiều năm nay, diện tích canh tác ngô của riêng hộ nhà tôi là 1 héc ta. Năm nay, sau khi được biết đến giống ngô kháng sâu và chống chịu cỏ, tôi có đăng ký xin được thực hiện mô hình trình diễn. Tính đến thời điểm này, tôi quan sát thấy ngô từ bắp tới cây đều phát triển rất đẹp. Một điểm khác biệt có thể nhận thấy được là trước đây sâu đục thân và sâu khoang rất nhiều, từ giai đoạn ngô 2 lá tới 6 lá, thậm chí là kể cả khi thu hoạch cũng còn thấy sâu gây hại. Về cỏ thì với giống ngô này, tôi có thể phun trùm thuốc trừ cỏ gốc glyphoste trực tiếp lên trên cây ngô nên rất tiện lợi, và đặc biệt là giúp giảm thời gian phun và do đó giảm công lao động. Tôi rất mừng khi được ứng dụng công nghệ ngô mới này, không phải phun thuốc trừ sâu, tiện lợi trong kiểm soát cỏ dại và canh tác dễ dàng hơn hẳn so với ngô lai chúng tôi vẫn thường sử dụng”.
Cây ngô là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Thanh Sơn với tổng diện tích gieo trồng gần 4.000 héc ta. Trước đây sử dụng các giống ngô cũ, năng suất trung bình tại các địa bàn như xã Sơn Hùng năng suất cây ngô chỉ đạt trung bình 5,2 tấn/héc ta. Một trong những hoạt động trọng điểm của khuyến nông tại địa bàn trong thời gian qua là tích cực chuyển giao kiến thức về các bộ giống ngô lai chất lượng cao cũng như các kỹ thuật canh tác tiên tiến để bà con nông dân có thể đạt hiệu quả trong canh tác. Từ đó, năng suất ngô trung bình tăng đạt từ 6-8 tấn/héc ta. Nông dân Lê Thanh Hải chia sẻ: “Sau khi được biết chủ trương cho phép ứng dụng giống ngô có khả năng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ, chúng tôi đã cùng phối hợp với Công ty Dekalb Việt Nam thực hiện các mô hình trồng thí điểm các giống ngô công nghệ mới này từ tháng 3/2015. Sau 3 tháng thực hiện, đến nay có thể thấy tại các ruộng sử dụng giống ngô mới này, tình trạng sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang giảm rõ rệt so với các ruộng ngô lai truyền thống, đồng thời cỏ dại được quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn. Bà con nông dân vừa tiết kiệm được công lao động, chi phí mua thuốc trừ sâu, ruộng đồng vừa được bảo vệ khỏi các ảnh hưởng do sâu hại cắn phá và cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại. Tôi rất mong giống ngô này sớm được thương mại hóa tại Việt Nam”.
Ông Đỗ Quang Trường - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Dekalb Việt Nam - khẳng định: “Tại Monsanto, chúng tôi tin rằng để công nghệ phát huy hiệu quả thì chuyển giao kỹ thuật sẽ là yếu tố then chốt. Chính vì thế, trong năm 2015, công ty đã và đang thực hiện hơn 100 điểm khảo nghiệm, các mô hình trình diễn và chuyển giao kiến thức, trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ trên tất cả các vùng trồng ngô trọng điểm tại Việt Nam. Điểm trình diễn ngô biến đổi gen tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình trên. Sau nửa năm hợp tác chặt chẽ, hầu hết bà con nông dân đều vui mừng, phấn khởi trước sự tiện lợi cũng như những hiệu quả ban đầu công nghệ mang lại”.