Công nghệ thông tin: Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà
Mặc dù nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành; nhưng việc ứng dụng CNTT trong nhiều DN vẫn dậm chân tại chỗ
- Viện trưởng Viện tin học doanh nghiệp Lê Văn Lợi cho biết: hiện Việt Nam là nước có mức độ kết nối internet trong top 10 thế giới, trong đó khoảng 50.000 DN đã kết nối internet. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có khoảng 15% DN sử dụng dịch vụ tư vấn về CNTT, chưa đầy 20% DN có website riêng. Nhiều DN lập các website ra chủ yếu để giới thiệu hình ảnh sản phẩm dịch vụ mà chưa trở thành nơi để giao dịch hàng hóa.
Mặc dù 100% dn khu vực nhà nước có kết nối internet, tới 50% dn có đường truyền riêng nhưng cũng chỉ có 61% DN có đơn vị chuyên trách CNTT. Đặc biệt, chỉ có 3/19 dn được khảo sát có lãnh đạo công nghệ thông tin CIO. Ngoài ra, mặc dù 100% tổng công ty, tập đoàn nhà nước có website riêng nhưng chỉ 21% trong số đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến, 37% sử dụng để tiếp nhận đơn đặt hàng và 32% dùng để thu thập thông tin khách hàng. Nhiều DN sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra để đầu tư dàn máy tính, nhưng hiệu quả sử dụng vẫn thấp, máy tính chủ yếu sử dụng để gõ văn bản, lưu tài liệu.
Riêng khu vực dn nhỏ và vừa chỉ có 50% ứng dụng CNTT, 46% DN sử dụng email, 1/3 DN sử dụng phần mềm như quản lý nhân sự, tiền lương, quản lý bán hàng. Hơn 70% DN sử dụng máy tính và internet chủ yếu để tìm kiếm thông tin quảng cáo, tiếp thị là chính. Chỉ có 42% dn sử dụng internet để tiếp nhận các đơn đặt hàng. Hầu hết không sử dụng phần mền CRM và ERP.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân các dn nhỏ và vừa chậm chạp trong việc ứng dụng CNTT một phần do cơ sở hạ tầng truyền thông chưa tốt, trang thiết bị lạc hậu và thiếu tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, vận hành, duy trì cao, sự hiểu biết hạn chế về CNTT của chủ dn cũng là rào cản của việc ứng dụng thông tin.
Để giúp dn nhỏ và vừa tạo ra cơ hội kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh, việc đầu tiên là phải thông qua các hội thảo, đào tạo nâng cao nhận thức của cộng đồng DN nhỏ và vừa về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài việc xử lý thông tin nội bộ nhanh chóng, đây còn là cơ hội để DN có thể phát triển các dịch vụ trực tuyến, giao tiếp khách hàng qua mạng và “nói chuyện” được với cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ.
Được biết, hiện nay Chính phủ đang thực hiện Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hợn cho các DN. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là việc xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia (NBRS) bao gồm Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Việc ứng dụng hệ thống này sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho các DN như giảm chi phí và thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh, cho phép DN đăng ký qua mạng điện tử… Tuy nhiên, mỗi dn cần phải lựa chọn cho mình mô hình ứng dụng CNTT một cách hợp lý, phù hợp với quy mô cũng như trình độ ứng dụng phát triển CNTT của mình để khoản đầu tư này đạt hiệu quả.
Tân Thanh