Công nghệ thông tin– truyền thông tăng 5 bậc
Ngành CNTT – TT Việt Nam vẫn tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
- Tại Hội nghị quốc tế về viễn thông, CNTT, internet ngày 21/11 tại TP HCM, ông Lê Nam Thắng- Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)- nhận định, ngành viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư, góp phần đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của thuê bao điện thoại và Internet. Tính đến tháng 9/2013, cả nước có hơn 100 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có 9 triệu thuê bao điện thoại cố định và trên 90 triệu thuê bao điện thoại di động (3G khoảng 19 triệu thuê bao; số thuê bao Internet băng rộng cố định đạt gần 5 triệu thuê bao. Các DN viễn thông, CNTT nước ngoài đã tham gia thị trường viễn thông Việt Nam và các DN viễn thông, CNTT của Việt Nam cũng vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Theo Sách trắng CNTT-TT 2013 công bố tháng 9/2013 đánh giá xếp hạng của một số tổ chức quốc tế, năm 2012 chỉ số phát triển CNTT-TT của Việt Nam tiếp tục tăng 5 bậc từ 8/152 lên 81/161, vươn lên xếp vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, và đứng thứ 12/27 nước châu Á- Thái Bình Dương.
Tổng doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2012 đạt 25,5 tỷ USD, tăng tới 86% so với năm 2011. Lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất trong các ngành công nghiệp CNTT chính là ngành công nghiệp phần cứng đạt 23 tỷ USD, tăng trưởng 103% và chiếm tới 90,4% tổng doanh thu toàn ngành. Với doanh thu này, nhóm ngành công nghiệp phần cứng – điện tử cũng đã vươn lên trở thành một trong 3 nhóm ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Đặc biệt khu vực DN đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp 96,6% giá trị xuất khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với các DN điển hình như Samsung, Intel, Canon, Foxcom, Nokia…
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng ngành CNTT-TT cũng đang đứng trước không ít thách thức. Ông Trần Minh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và truyền thông)- chia sẻ, quá trình tái cơ cấu thị trường, DN trong lĩnh vực CNTT nói riêng và DN nói chung đã làm giảm tốc độ phát triển của ngành. Công nghiệp phần mềm trong nước đang trải qua giai đoạn khó khăn và tăng trưởng có dấu hiệu chững lại do đầu tư cho lĩnh vực này từ phía DN và Chính phủ không như mong đợi. Các DN đang xem xét lại nhu cầu ứng dụng CNTT và chưa định hướng được công nghệ mà họ nên theo. Sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ truyền thông xã hội, mạng xã hội đang đặt ra thách thức về yêu cầu hài hòa giữa việc đáp ứng nhu cầu người sử dụng và công tác quản lý của các ngành chức năng.
Ngọc Thảo