CôngThương - Theo Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam (HHG-LS), năm 2011, XK gỗ có khả năng chạm 4 tỉ USD. Một tốc độ phát triển vượt bậc so với dấu mốc nhọc nhằn 5 - 10 năm trước: 2000 - 219 triệu USD, 2005 - 1,5 tỉ USD. Thế nhưng, còn quá sớm để nói ngành gỗ tăng trưởng ổn định, bền vững.
“Mất thăng bằng”
Cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp có công suất chế biến từ 200m3 gỗ tròn/năm trở lên, trong đó, 300 đơn vị là doanh nghiệp FDI. Ngành gỗ dù nhiều sóng gió trong các đợt suy thoái kinh tế, có vẻ như vẫn hấp dẫn giới đầu tư. Nếu giai đoạn 2000 – 2007, số lượng doanh nghiệp tăng 2,83 lần, thì chỉ mấy năm 2007 – 2009, bội số trên là 2. Cộng đồng doanh nghiệp gỗ chủ yếu quây quần ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Một cuộc khảo sát gần đây do HHG-LS thực hiện đã chỉ ra: “Dù Chính phủ khuyến khích xây dựng doanh nghiệp chế biến gỗ gần vùng nguyên liệu, nhưng phân bổ trên thực tế trước nay lại tập trung ở thành phố lớn, vùng đông dân cư, gần thị trường tiêu thụ và có cơ sở hạ tầng tốt”. Tây Nguyên - nơi có hơn 1,6 triệu hécta rừng, chiếm 34,23% tổng diện tích rừng sản xuất cả nước, số cơ sở chế biến chỉ chiếm 7,32%. Đang tồn tại tình trạng mất thăng bằng giữa khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, khi chỉ 300 doanh nghiệp FDI đã đủ sức cáng đáng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Hầu hết cơ sở chế biến của doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ. Trong khi các liên doanh, doanh nghiệp FDI giàu tiềm lực để lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại bằng lòng với dây chuyền sản xuất cũ kỹ. Bình Định là 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ lớn nhất nước, nhưng tại Khu công nghiệp Phú Tài, tới 63 – 75% doanh nghiệp sử dụng thiết bị 6 – 15 tuổi. Chỉ đến khâu hoàn thiện, giới chủ mới lưu tâm đổi mới nhanh hơn với 59% thiết bị 1- 5 tuổi. Cũng ở đây, hệ số sử dụng năng lực sản xuất được đánh giá là thấp, khoảng 31% (thống kê 2007 - thời ngành gỗ còn hưng thịnh), đặc biệt, có khâu rất thấp như xẻ (7%, do thiếu đầu mối chuyên môn hóa, doanh nghiêp tự cưa xẻ nguyên liệu cho mình) hay sản xuất nội thất (16%, do tỉ trọng sản lượng ít ỏi)...
Chưa kể nỗi quan ngại đến từ nguồn nhân lực. Trong một tài liệu lưu hành nhân Lễ hội lâm sản lần I, Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: “Số lượng, chất lượng đội ngũ công nhân chế biến gỗ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu nhiều kỹ năng, chưa biết hoặc chưa được đào tạo khả năng thao tác, nâng cao năng suất lao động”. Vẫn theo cơ quan này, hiện ngành chế biến gỗ Việt Nam chỉ tạo ra giá trị xuất khẩu dưới 10.000USD/công nhân/năm, trong khi ở Trung Quốc là 16.000, Malaysia 17.500, Đức: 70.000USD.
Bỏ ngỏ “sân nhà”
Mải mê theo đuổi các đơn hàng xuất khẩu, các thị trường năm châu bốn biển, doanh nghiệp chế biến gỗ hầu như “nhường” hẳn mảng thị trường nội địa cho nghề mộc gia dụng và hàng nhập ngoại. Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng trong nước ước tính tới hàng tỉ đôla, hứa hẹn còn bùng nổ dữ dội theo đà tăng trưởng kinh tế và sự dịch chuyển thị hiếu cộng đồng. Khảo sát ngẫu nhiên tại 7 tỉnh của HHG-LS cho thấy, bình quân một hộ gia đình thành thị chi tiêu 3 triệu đồng/năm cho sản phẩm gỗ trong khi nhu cầu là 6 triệu đồng. Các khách sạn, nhà nghỉ, sức mua còn mạnh mẽ hơn nhiều, từ 12 – 80 triệu đồng/phòng.
Khách sạn 3 sao trở lên thì 5 năm phải thay mới vật dụng gỗ 1 lần. Thị phần mênh mông, béo bở như vậy, đáng tiếc, lại không có mấy doanh nghiệp chế biến gỗ đoái hoài. “Trận địa” bỏ trống cho làng nghề truyền thống và hàng Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia... Ở Bắc Ninh, Hà Nội (bao gồm Hà Tây cũ), tốc độ phát triển những cơ sở mộc phục vụ tiêu dùng nội địa lên đến 80%. Lọt sàng xuống nia, đó chưa hẳn là một hệ quả xấu. Điều đáng nói là có quá nửa số người được phỏng vấn cho rằng đồ gỗ ngoại nhập sẽ được ưu tiên lựa chọn nếu họ ra quyết định mua sắm. Tình cảnh này chẳng khác nào có vàng mà để vàng rơi!