CôngThương - Hiện nay, trên cả nước có khoảng 1.064 DN nhựa đang hoạt động có vốn từ 500 triệu đồng trở lên, chủ yếu tập trung tại miền Nam, số lượng DN tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An chiếm 80%, còn lại là ở miền Bắc và miền Trung và ĐBSCL. Trong giai đoạn 2005-2010, ngành nhựa phát triển khá nhanh và ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Tổng sản lượng nhựa năm 2010 đạt 3,8 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa năm 2010 đạt 1 tỷ USD. Sản phẩm nhựa xuất khẩu đang có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, EU, châu Phi, Trung Đông, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc... Đối với các sản phẩm nhựa gia dụng, trong những năm qua, nhiều DN tư nhân đã tham gia đầu tư sản xuất và tạo dựng được thương hiệu trên thị trường như nhựa Long Thành, Tân Hiệp Hưng, nhựa Tân Tiến... Lĩnh vực sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa trong thời gian qua cũng có nhiều bước phát triển, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất (TPC VINA), KCN Gò Dầu tỉnh Đồng Nai đã đầu tư tăng thêm công suất 90 nghìn tấn/năm; nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa PP ở Khu kinh tế Dung Quất tuy mới đưa vào sản xuất nhưng đã khai thác được 100% công suất (150 nghìn tấn/năm) cung cấp hạt nhựa Polypropylen ra thị trường và có chất lượng tương đương nguyên liệu nhập khẩu…
Đặc biệt, với thế mạnh về công nghiệp nhựa, các DN của Hiệp hội nhựa TP.HCM trong thời gian qua vẫn duy trì hoạt động theo hướng phát triển bền vững, thu hút hơn 6 tỷ USD đầu tư đổi mới trang thiết bị, di dời và xây dựng nhiều nhà máy mới. Trong đó 3 chương trình (Nâng cao năng lực quản lý; Đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nhựa và cao su); và phát triển 2 dự án (Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa, Trung tâm kỹ thuật chất dẻo và cao su) là các mũi đột phá của ngành công nghiệp nhựa TP.HCM.
Ông Lê Văn Hiền - Phó ban quản lý Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa cho biết, với quy mô đầu tư gần 100 triệu USD, 13 nhà máy nhựa mới trong cụm công nghiệp nhựa đã hình thành, năm đầu tiên 2009 đạt giá trị tổng sản lượng 800 tỷ đồng, năm 2010 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 15% là xuất khẩu. Nhiều sản phẩm nhựa công nghiệp kỹ thuật cao đã xuất xưởng như pin mặt trời, robot, máy ép nhựa, bao bì cao cấp, nhựa gia dụng xuất khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành nhựa cũng đang đối mặt với những khó khăn liên quan đến chi phí nguyên liệu chiếm 70-80% giá thành sản phẩm nhập từ nước ngoài, tương đương 2,1 tỷ USD/năm. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, ngành nhựa hứng chịu nhiều đợt tăng giá nguyên liệu, tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của DN. Ngoài ra, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm nhựa sản xuất của Việt Nam còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các nhà nhập khẩu, của các ngành kinh tế sử dụng sản phẩm nhựa kỹ thuật cao. Các DN nhựa phát triển vẫn mang nặng tính tự phát, chưa theo quy hoạch. DN tư nhân ngành nhựa thường tập trung sản xuất những mặt hàng ăn khách, dẫn đến tình trạng chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, gây lãng phí về vốn và ít hiệu quả kinh tế…
Theo thống kê và đánh giá của Comtrade (Cơ quan thống kê Liên hợp quốc) đối với mặt hàng nhựa, Việt Nam là nước có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt và được hưởng mức thuế thấp hơn hoặc ngang bằng với các nước khác ở hầu hết các thị trường. Hơn nữa do nhu cầu của thế giới về mặt hàng này rất cao (tăng trưởng bình quân nhập khẩu trong 5 năm qua trên 7%/năm) sẽ là cơ hội lớn cho các DN phát triển xuất khẩu sản phẩm nhựa. Tuy vậy, vấn đề lớn nhất đặt ra là khả năng đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu chủ yếu về mặt số lượng và chủng loại sản phẩm của các DN Việt Nam còn khá hạn chế…
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, việc sử dụng nguyên liệu từ việc tái chế phế liệu nhựa góp phần bảo vệ môi trường là một trong những điều kiện của các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật. Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang - Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP.HCM cũng cho biết thêm, trong thời gian tới hiệp hội sẽ hướng hoạt động đi vào chiều sâu, chọn phát triển hoạt động khoa học công nghệ làm nền tảng phát triển bền vững. Dự kiến, đến quý 3/2011, hiệp hội sẽ hoàn thành công trình Trung tâm kỹ thuật chất dẻo TP.HCM trên cơ sở nâng cấp trung tâm đã có. Đồng thời, liên kết hợp tác với các ngành công nghiệp liên quan, xây dựng ngành công nghiệp nhựa và cao su trở thành ngành công nghiệp phụ trợ như các nước tiên tiến khác.