Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/9: Bảo đảm an toàn cho các hồ đập
Trên báo Lâm Đồng số ra hôm nay có bài: “Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 đáp ứng các yêu cầu chống lũ”. Đoàn công tác của Bộ Công Thương vừa có chuyến kiểm tra thực địa công tác an toàn đập, hồ chứa Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 do Công ty Thủy điện Đồng Nai quản lý (đây là đơn vị thuộc Tổng công ty Phát điện 1).
Đảm bảo công tác an toàn hồ đập, thủy điện là vấn đề luôn được Bộ Công Thương chú trọng |
Ông Ngô Văn Sỹ - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai cho biết: Công ty thực hiện kiểm tra thường xuyên hàng tuần, hàng quý, trước mùa mưa hàng năm, ngay sau khi có mưa, lũ lớn trên lưu vực, kết thúc mùa mưa bão hàng năm, Công ty đều tiến hành kiểm tra bằng mắt thường và lập báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa gửi các ban ngành theo dõi.
Về kết quả quan trắc đập thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, công ty quan trắc chuyển dịch theo chu kỳ 2 đợt/năm. Công ty quan trắc trong thân đập tự động 1 lần/ngày; đo thấm 10 ngày/lần; đo tay kiểm tra hệ thống quan trắc tự động 1 lần/tháng.
Các thiết bị vận hành đập bao gồm: Cẩu trục chân đê, thiết bị nâng hạ van cung, máy diezen, hệ thống camera, đường điện 22kV cấp điện cho đập tràn, hệ thống đèn chiếu sáng, ca nô… được Công ty kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra trước mùa mưa bão. Tình trạng tất cả các thiết bị hiện đang hoạt động tốt.
Hàng năm, trước mùa mưa bão, công ty thực hiện kiểm tra đóng mở cửa van đập tràn và kiểm tra toàn bộ thiết bị vận hành đập…
Trong công tác bảo vệ đập, công ty bố trí ca trực vận hành, chốt trực bảo vệ an ninh 24/24 giờ đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Hàng quý, công ty sử dụng ca nô đi kiểm tra toàn bộ khu vực lòng hồ và giám sát các hoạt động diễn ra trên hồ…
Căn cứ vào kết quả kiểm tra và kết quả quan trắc cho thấy đập Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 đảm bảo an toàn vận hành, hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 ổn định, đảm bảo điều tiết, chống lũ.
Bên cạnh vấn đề an toàn hồ đập, trên báo Người lao động cũng có bài viết đáng chú ý: “Hợp đồng điện tử rút gọn quy trình mua bán”.
Theo bài báo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 doanh nghiệp đầu tiên đạt yêu cầu (CeCA) gồm: Viettel Telecom, FPT IS, Bkav, MobiFone và CMC TS. Các CeCA này nằm trong số 26 hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp mà cục đã tiếp nhận từ tháng 9/2021 đến nay.
“việc cấp giấy phép cho các đơn vị chứng thực hợp đồng điện tử là một mảnh ghép nữa trong tiến trình xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam”, bài báo đưa nhận định.
Trong lĩnh vưc năng lượng, báo Đầu tư số ra hôm nay có bài: “Việc khai thác, huy động nguồn điện đã có PPA thuộc thẩm quyền của EVN”.
Cụ thể, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) vừa có văn bản trả lời Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến khai thác phần công suất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Bộ Công Thương cho rằng, việc khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thoả thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật liên quan.
Bài “Nhà máy điện gió đang vận hành được yêu cầu cung cấp thông tin về gió” trên báo Đầu tư cũng được dư luận quan tâm.
Cả nước hiện có 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3980,27 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD). Bộ Công thương vừa đề nghị chủ đầu tư các nhà máy điện gió cung cấp thông tin về số liệu, tài liệu đánh giá đặc trung gió của nhà máy điện gió tại Việt Nam.
Đề nghị này xuất phát từ việc Tổng cục Khí tượng thủy văn đề nghị Bộ Công thương cung cấp, chia sẻ số liệu, tài liệu đánh giá đặc trưng gió của các nhà máy điện gió tại Việt Nam để cơ quan này thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cam kết của Việt Nam tại COP26. Các chủ đầu tư được yêu cầu cung cấp thông tin này trước ngày 15/9/2022.