Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 13/6: Kim ngạch xuất khẩu có thể vượt 363 tỷ USD
Bên cạnh vấn đề tăng giá xăng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm trong ngày 13/6. Trong đó, Báo Đầu tư có bài: Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 có thể vượt 363 tỷ USD.
Theo bài báo, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa đạt được nhiều kết quả vượt trội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, qua 5 tháng, quy mô xuất khẩu đạt trên 152,81 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay và cao hơn quy mô cả năm từ năm 2014 trở về trước.
So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3% |
So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 16,3%. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,8%, cao hơn tốc độ chung (tăng 16,3%) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%). Qua đó cho thấy, khu vực kinh tế trong nước đã khai thác tốt hơn những ưu thế về đất đai, khí hậu, lao động cũng như những ưu thế do các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Bài báo cho biết, nếu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân cả năm đạt 8% (như mục tiêu mà Bộ Công Thương đặt ra), thì kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 363 tỷ USD. Trường hợp nhập khẩu cũng có tốc độ tăng tương đương xuất khẩu, thì kim ngạch nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 359 tỷ USD và xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Theo đó, năm 2022 sẽ là năm thứ 8 liên tục xuất siêu.
Cũng liên quan đến xuất khẩu, tờ Hà Nội mới ngày 13/6 có bài: 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD
Bài báo dẫn thông tin từBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do thị phần xuất khẩu rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc giảm sâu.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, xuất khẩu rau quả nói riêng và hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần chủ động khai thác các thị trường mới, tăng cường xuất khẩu tại thị trường EU và các thị trường Nhật Bản, Mỹ… đối với các loại hoa quả đã được cấp phép; đồng thời chủ động lượng rau quả để khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu có thể cung ứng kịp thời các đơn hàng.
Bên cạnh xuất khẩu, việc giá xăng tăng vào ngày 13/6 cũng được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Cụ thể, tờ Lao động đặt câu hỏi: Giá xăng sẽ xô đổ mốc 32.000 đồng/lít?
Theo bài báo, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 13/6. Nhiều khả năng, giá mặt hàng này tiếp tục tăng, lập kỷ lục mới. Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu. Tại kỳ điều chỉnh này, nhiều khả năng giá xăng lại tăng lần thứ 6 liên tiếp. Mức tăng có thể lên tới 700-800 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu được dự báo tăng cao hơn, có thể lên tới khoảng 3.000 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 10 lần tăng, 3 lần giảm. Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để chặn đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành quỹ bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.