Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15/4: Chặn đứng hành vi buôn lậu xăng dầu Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 16/4: Quy hoạch điện VIII - Đặt lợi ích Quốc gia, dân tộc trên hết |
Cụ thể, về vấn đề xăng dầu, VOV có bài: “Có nên tham gia bảo hiểm giá xăng dầu?”. Bài báo chỉ ra, trong thời gian qua, cùng pha với giá dầu thô thế giới, giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm tại các quốc gia trên thế giới liên tục lập các đỉnh mới từ đầu năm đến nay.
Để chủ động trong công tác đảm bảo nguồn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu từ quý II/2022 cho thị trường nội địa sẽ không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá dầu sẽ còn rất nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022. Cần có các công cụ để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, như công cụ bảo hiểm giá.
Cùng chủ đề, VietQ có bài: “Kỳ vọng giá xăng dầu "hạ nhiệt" giảm áp lực lên lạm phát”. Cụ thể, báo nêu,sau thời gian giá xăng dầu liên tiếp tăng đạt mức kỷ lục thì ngày 12/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đến nay, giá xăng dầu đã giảm lần thứ 3 liên tiếp từ cuối tháng 3 đến nay.
Bộ Công Thương đã lên kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu từ quý II/2022 cho thị trường nội địa |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, giá xăng dầu "hạ nhiệt" đã vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát, song để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay khoảng 4%, cơ quan quản lý cần từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác, tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế nước nhà. Điều này đã được Bộ Công Thương khẳng định, luôn đảm bảo cung cầu thị trường, không để xảy thiếu xăng dầu.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nguyên cứu Phát triển TP. HCM cũng cho rằng, để có dư địa tiếp tục giảm giá xăng, nhà chức trách cần kiểm soát tốt nguồn cung xăng dầu trên thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, tăng giá ồ ạt...
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng tự ý tăng giá, tin đồn gây ảnh hưởng đến thị trường giá cả… Nếu xăng dầu trong nước chênh lệch với giá các nước lân cận, thì cần mạnh tay xử lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Một trong những vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm nhiều ngày qua là thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương đối với sản phẩm kẹo thạch sữa trái cây đang bị thu hồi tại Anh. Đơn cử, Zing đưa tin: “Sau kẹo trứng Kinder, đến lượt kẹo thạch sữa trái cây bị thu hồi”.
Nội dung được báo nêu, theo Bộ Công Thương, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) mới đây đã có cảnh báo về việc Công ty TNHH Interdragon International Trading và Công ty TNHH Assia Oriental Market (tại Anh) đang thu hồi sản phẩm kẹo thạch sữa trái cây nhãn hiệu XZL Milk Fruit Jelly School Bags.
Theo đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng sản phẩm kẹo thạch sữa trái cây nhãn hiệu XZL Milk Fruit Jelly School Bags này vì có nguy cơ gây nghẹt thở vật lý khi sử dụng.
Chỉ trong tuần qua, đây là lần thứ 2 Bộ Công Thương phải đưa ra cảnh báo về sản phẩm kẹo dành cho trẻ em có xuất xứ từ nước ngoài. Trước đó, cơ quan quản lý cũng đã cảnh báo về sản phẩm kẹo trứng chocolate nhãn hiệu Kinder của Công ty Ferrero (Bỉ).
Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị phối hợp cung cấp thông tin này tới các nhà cung cấp, kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 55, Luật An toàn thực phẩm và không bán các sản phẩm đó đến khi có thông báo mới của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, vấn đề năng lượng cũng được các báo đề cập nhiều. Điển hình, Báo điện tử Chính phủ có đưa: Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Báo nêu, sáng ngày 17/4, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, quý I năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và một số kiến nghị, đề xuất.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, với tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tình hình kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực như GRDP tăng 9%, đứng thứ tư cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 24,6%, đứng đầu cả nước, năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 59,8% tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành, đóng góp 6,84% tăng trưởng chung.
Thủ tướng nêu rõ, điều rất quan trọng là tìm ra những đột phá từ điều kiện hiện nay để tỉnh phát triển nhanh nhưng bền vững, tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình.
Cũng trong chuyến công tác tại Ninh Thuận của Thủ tướng, Báo điện tử Vienamnet có bài: “Thủ tướng khảo sát một số công trình, dự án lớn tại Ninh Thuận”. Cụ thể, ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Thủ tướng và đoàn công tác khảo sát tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo với công suất 500 MW của tập đoàn BIM tại huyện Thuận Nam.
Theo chủ đầu tư, các công trình này góp phần khai thác tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo. Vùng đất đang sản xuất muối công nghiệp chính là địa điểm thích hợp để triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn.
Lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết qua khảo sát bước đầu, ông đánh giá cao hiệu quả của mô hình này, đồng thời đề nghị địa phương, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu phát huy hơn nữa các tiềm năng của địa phương, khai thác, sử dụng tốt nhất các nguồn lực trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ...