Lĩnh vực xuất nhập khẩu được đề cập qua nhiều nội dung. Cụ thể, Vietq có bài: Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam tăng cao. Bài báo nêu, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, chế biến đạt khoảng 345 triệu USD, chiếm 14-15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến đang được nâng lên đáng kể, chứng tỏ doanh nghiệp Việt không còn quá quan trọng đến số lượng mà đã quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta. Trong Top 10 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã có 5 nước thuộc khối EU, chiếm 35,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Ngoài EU, các chuyên gia trong ngành đánh giá Trung Quốc cũng là thị trường có tiềm năng và độ mở cho cà phê Việt.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 ngàn tấn cà phê để xuất khẩu.
Vietnamplus có bài: Các FTA tạo xung lực mới cho hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu được đánh giá là một trong những điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu được đánh giá là một trong những điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế trong nhiều năm qua |
Quá trình hội nhập quốc tế và kinh tế đã và đang mở ra cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới mở thêm nhiều cơ hội và đặt Việt Nam trước một sân chơi mới với những thay đổi mang tính chiến lược nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, gỡ bỏ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững. Đồng thời, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định truy xuất nguồn gốc; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực các kỹ năng về ngoại ngữ, đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại…
Một trong những sự kiện nổi bật ngày qua là Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế: Kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra chiều 23/8. Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều báo. Vnbusiness có bài: 'Bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế rất tinh vi, doanh nghiệp Việt cần thận trọng. Báo Chính phủ có bài: Phòng ngừa lừa đảo trong thương mại quốc tế: Từ vụ việc hạt điều.
Nội dung được phản ánh cho thấy, VCCI dẫn kết quả khảo sát từ PwC cho thấy, 52% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát cho biết họ đã trải nghiệm sự lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khi buôn bán thương mại quốc tế, mức này cao hơn khu vực và toàn cầu. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam cảnh giác, tránh được những bẫy lừa đảo đáng sợ này?
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam đang có thế mạnh về hoạt động xuất nhập khẩu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Khi vào sân chơi rộng lớn, tất yếu rủi ro sẽ nhiều hơn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, VCCI đã nhiều lần thông tin về những trường hợp, khả năng rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn có những sự việc đã xảy ra, vụ việc container hạt điều xuất khẩu sang thị trường Italia là một ví dụ.
Bên cạnh đó, hiện nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như Việt Nam nhưng đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế, theo đó việc cùng nhau trao đổi, chia sẻ các biện pháp nhận diện và phòng tránh rủi ro, kinh nghiệm tìm kiếm đối tác tin cậy cũng như đàm phán hợp đồng và trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp thì chúng ta cần tìm đến các cơ quan nào để giải quyết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cần cùng nhau chia sẻ bài học, chia sẻ những kinh nghiệm sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp trưởng thành hơn.