Chủ đề hội nhập - xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục được báo chí quan tâm trong ngày 27/5. VTV News có bài “4 tháng đầu năm xuất khẩu tôm tăng đột biến”. Tờ báo này cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm khá thuận lợi và liên tục tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp có hợp đồng ký kết từ năm 2021 giữ được giá cao cho tới đầu năm nay.
Ngoài ra, sau 2 năm dịch COVID-19, các hội chợ thương mại thuỷ sản quốc tế sôi động trở lại, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp việt cũng đã nối lại. Đại diện VASEP cho biết, dự báo cuối năm 2022 tôm có thể mang về 4,2 tỷ USD tăng 8% so với 2021. Để đạt được mục tiêu đó doanh nghiệp nên tận dụng những lợi thế về thuế quan để tăng tính cạnh tranh của Việt Nam; tận dụng được ưu thế về tôm sú, tôm cỡ lớn, tôm sinh thái, tôm quảng canh; tuyệt đối tuân thủ những quy định của thị trường luôn ổn định chất lượng tốt, truy suất nguồn gốc rõ ràng minh bạch.
Nói về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, Báo VnExpress có bài: “Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc”. Tờ báo trích dẫn Khảo sát "HSBC Navigator: Vuasanca Đông Nam Á" vừa công bố cho biết có 21% các công ty Ấn Độ đang hoặc dự định thiết lập hoạt động tại Đông Nam Á có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam hai năm tới. Đồng thời, 26% doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang hướng đến ưu tiên tăng trưởng tại đây.
Xét về các lợi thế của Việt Nam, 3 trên 10 công ty được hỏi cho rằng lực lượng lao động có kỹ năng là điểm hấp dẫn nhất. Trong khi 27% bị thu hút bởi triển vọng kinh tế lạc quan, giá nhân công cạnh tranh và tinh thần kiên cường vượt đại dịch. Phát triển bền vững ở Việt Nam - một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thế giới hiện nay - được các nhà đầu tư quốc tế đang hoạt động tại đây cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Lĩnh vực năng lượng cũng là chủ đề được quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang họp kỳ họp thứ 3 khoá XV. Vietnamnet đưa bài: “Sửa đổi Luật Dầu khí góp phần ‘mở cánh cửa mới’ cho hành trình phát triển năng lượng”. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi sẽ lần đầu được đưa ra xem xét, thảo luận trước Quốc hội. Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Dầu khí.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, cần được nghiên cứu hoàn thiện. Điển hình như một số quy định trong luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi, chưa có sự đồng bộ với các luật liên quan, chưa cập nhật tình hình phát triển năng lượng trong bối cảnh hiện nay…
Trong khi đó, về sản xuất công nghiệp, tờ VnBussines có bài: “Doanh nghiệp trước thách thức "xanh hóa'”. Tờ báo dẫn lời của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, ngày nay, với yêu cầu của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất chỉ có con đường tất yếu là phải xanh hóa quá trình sản xuất. Vì vậy, áp lực tăng trưởng xanh tại Việt Nam đến từ mọi phía, không chỉ đối với Chính phủ, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Sự nỗ lực của các doanh nghiệp châu Âu về sản xuất xanh cho thấy rõ yêu cầu xanh hóa sản phẩm bây giờ không phải là lựa chọn mà trở thành bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng nếu không muốn nằm ngoài cuộc chơi.
Đối với lĩnh vực tiêu dùng, giá xăng dầu tiếp tục là chủ đề được báo chí khai thác. Báo VOV có bài: “Xăng tăng giá, giải pháp nào kiềm chế lạm phát?”. Tờ báo này phân tích, áp lực lạm phát trên thế giới đang gia tăng khi giá nguyên nhiên vật liệu và những vật tư cơ bản, trong đó có xăng dầu đang ở mức cao. Trong khi đó, Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn, các nguyên vật liệu cơ bản cho sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài nên mặt bằng giá cả của thế giới đang tác động mạnh đến mức độ tăng trưởng và nguy cơ lạm phát ở nước ta. Nếu lạm phát ở mức cao sẽ gây ra một loạt các hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế đất nước.