Công trình Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành vượt tiến độ 1 năm
Công trình Thủy điện Lai Châu |
Dự án thủy điện Lai Châu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 40/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây tại Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010, bao gồm các dự án thành phần: Dự án xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu và Dự án đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127, đường tránh ngập đoạn Mường Tè - Pắc Ma do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư; Dự án bồi thường di dân tái định cư do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư.
Đến nay đã hoàn thành toàn bộ công tác thi công các hạng mục công trình chính Thủy điện Lai Châu bao gồm đập dâng, đập tràn, khoan phun gia cố nền và tạo màng chống thấm, lắp đặt các thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị điện và thiết bị quan trắc công trình. Cả 3 tổ máy đã hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện từ năm 2016. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng và EVN đã tổ chức lễ khánh thành Thủy điện Lai Châu ngày 20/12/2016, vượt tiến độ 1 năm Nghị quyết 40/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội đề ra.
Từ khi hoàn thành công trình Thủy điện Lai Châu đến nay, công tác vận hành công trình đập và hồ chứa đảm bảo tuân thủ Quy trình Vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015. Đến nay, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước cho 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu là 542,165 tỷ đồng, trong đó thuế VAT nộp cho tỉnh Lai Châu là 275,165 tỷ đồng, thuế tài nguyên là 485,839 tỷ đồng (nộp cho tỉnh Lai Châu là 208,567 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên là 2,107 tỷ đồng), nộp phí dịch vụ môi trường rừng vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là 56,326 tỷ đồng.
Tổ máy số 1 Thủy điện Lai Châu |
EVN cũng tiến hành thực hiện trồng rừng thay thế theo phương thức chuyển tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Tổng diện tích trồng bù rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 1.536,1 ha với tổng giá trị dự toán là 76,893 tỷ đồng. EVN đã chuyển 41,294 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Lai Châu. Tổng diện tích trồng bù rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 22,1 ha với tổng giá trị dự toán là 1,297 tỷ đồng. EVN đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Điện Biên.
Đối với tuyến đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 đoạn Nậm Nhùn- Mường Tè- Pắc Ma đã được xây dựng hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành từ tháng 4/2016.
Đối với tuyến đường giao thông nối Khu tái định cư thị trấn với thị trấn Mường Tè được Chính phủ đồng ý bổ sung đầu tư xây dựng tại Văn bản số 3880/VPCP-KTN ngày 28/5/2015 thì hiện tại nhà thầu là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành đang khẩn trương thi công bám sát tiến độ theo hợp đồng (gói thầu 15XL). Khối lượng thi công tính đến hết tháng 9/2017 đã thực hiện đào đất đá 52.486 m3/61.566 m3, đạt 85% khối lượng theo thiết kế; đắp đất đá nền đường 300.000 m3/503.179 m3, đạt 60% khối lượng theo thiết kế; thi công bê tông cống thoát nước đạt 15% khối lượng thiết kế.
Đối với Dự án bồi thường di dân, tái định cư (TĐC), đã hoàn thành công tác di chuyển dân (tổng số 2009 hộ/8.475 khẩu, tăng 249 hộ/670 khẩu so với Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 30/01/2011) và tài sản, công trình hạ tầng cơ sở bị ảnh hưởng ra khỏi vùng lòng hồ tích nước phát điện. Cơ bản hoàn thành công tác thu hồi đất trong vùng ngập và đất xây dựng các công trình; đang tiếp tục triển khai thực hiện công tác thu hồi diện tích đất bị thiệt hại phải thu hồi theo quy hoạch; hoàn thành giao đất cho 1.883 hộ tái định cư tập trung, bình quân bình quân đạt 360 m2/hộ tái định cư nông thôn và 140 m2/hộ tái định cư đô thị. Đã lập, phê duyệt và thực hiện 08 phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 949 tỷ đồng, giải ngân được 949 tỷ đồng, đạt 100%. Công tác lập, phê duyệt 167 dự án thành phần, thực hiện các bước thiết kế và thi công các dự án thành phần, công trình hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư đã và đang được tích cực triển khai thực hiện.
Bản tái định cư Mường Mô thuộc dự án Thủy điện Lai Châu |
Công tác giải ngân và thanh, quyết toán: Giá trị giải ngân lũy kế đến hết tháng 9 năm 2017 đạt 25.809 tỷ đồng. Trong đó, cho dự án xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu và đường giao thông tránh ngập là 23.840 tỷ đồng/32.575 tỷ đồng của tổng dự toán được duyệt (đạt khoảng 73%); cấp vốn cho dự án di dân tái định cư là 2.173,2 tỷ đồng/2.331,1 tỷ đồng của tổng mức đầu tư được duyệt (đạt khoảng 93%). Giá trị thanh, quyết toán cho dự án xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và đường giao thông tránh ngập là 18.386 tỷ đồng/ 32.575 tỷ đồng của tổng dự toán được duyệt (đạt khoảng 57%); giá trị thanh, quyết toán cho dự án di dân tái định cư là 405 tỷ đồng/2.331,1 tỷ đồng của tổng mức đầu tư được duyệt (đạt khoảng 17%).
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay và trong thời gian tới, đối với công trình Thủy điện Lai Châu sẽ tập trung vào công tác vận hành, bảo dưỡng, duy tu các tổ máy và hệ thống thiết bị, công trình đập và hồ chứa theo đúng các quy trình được duyệt, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn và hiệu quả và phấn đấu hoàn thành quyết toán trong năm 2017.
Đối với dự án bồi thường di dân, tái định cư tập trung đẩy nhanh thi công xây dựng các dự án thành phần, công trình hạ tầng còn lại tại các khu, điểm tái định cư. Hoàn thành công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất cho người dân tái định cư; tính bù chênh lệch về đất, nơi đi, nơi đến; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân tái định cư. Rà soát, thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ tợ tái định cư theo quy định; hoàn thiện hồ sơ địa chính, đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất cho các hộ, tổ chức trong vùng tái định cư.
Đối với dự án đường giao thông tránh ngập, phấn đầu hoàn thành thi công xây dựng tuyến đường giao thông nối Khu tái định cư thị trấn với thị trấn Mường Tè trong năm 2017.