Xóa đói, giảm nghèo từ chuyên canh cây thuốc lá |
Giảm nghèo bền vững
Ông Vương Đình Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ngân Sơn - cho biết, nhiều năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, công ty đã tham gia phát triển kinh tế các xã vùng sâu, vùng xa. Với năng suất 1,7 tấn/ha, sau khi thu hoạch, bà con thu được từ 60- 80 triệu đồng/ha.
Để vùng nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn, ngay từ đầu vụ, công ty đã cung ứng cho bà con hạt giống, phân bón, thuốc diệt chồi, sửa chữa hoặc xây mới lò sấy, mua máy bơm nước và các thiết bị khác phục vụ vùng trồng... Đồng thời, đầu tư mở rộng thêm nhiều khóa đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Nếu như trước đây, mỗi vụ công ty tổ chức 2 lớp tập huấn thì đến nay, công ty đã tổ chức 3 lớp tập huấn trong một vụ từ gieo trồng, chăm sóc đến hái sấy, phân loại. Các nhân viên kỹ thuật của công ty cũng xuống tận đồng ruộng để hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây nguyên liệu đạt năng suất cao.
Theo ông Hải, Ngân Sơn đã thực hiện đúng hướng và bền bỉ việc duy trì mối quan hệ “bốn nhà” (nhà nước- nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp) và đưa chính sách “tam nông” của Ðảng vào chiến lược sản xuất- kinh doanh. Ngân Sơn không chỉ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng cây nguyên liệu thuốc lá mà còn ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với giá thu mua được công bố ngay từ đầu vụ, bảo đảm người nông dân có lãi 30%. Tuy nhiên, nếu giá nguyên liệu tăng, công ty sẽ mua theo giá thị trường để người nông dân có thu nhập tăng cao hơn.
Năm 2015, trọng tâm là thị trường xuất khẩu, duy trì và tăng trưởng sản lượng bán hàng cho các công ty thuốc lá điếu thành viên của tổng công ty. Bên cạnh đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho các bạn hàng khác trong Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nhằm tăng thêm sản lượng bán hàng. |
Chủ động vượt khó
Theo đánh giá của Ngân Sơn, năm 2015 là năm đầy khó khăn đối với công ty bởi nông dân ở các vùng nguyên liệu như: Lạng Sơn, Cao Bằng… đang bỏ đồng ruộng để chuyển đổi sang lao động ở lĩnh khác hoặc sang nước giáp biên để làm thuê khiến nhiều diện tích cây nông nghiệp, trong đó có cây thuốc lá đang có nguy cơ bị bỏ hoang.
Theo tính toán của công ty, từ đầu năm tới nay, diện tích gieo trồng của công ty sụt giảm tới trên 25%, nhiều hộ gia đình trước đây trồng 4 – 5 ha thì năm nay chỉ còn 2 ha, thậm chí bỏ trắng. “Vấn đề không chỉ ở chỗ nguyên liệu sụt giảm mà việc thiếu hụt lao động cũng dẫn tới việc không bảo đảm được kỹ thuật, chất lượng lá nguyên liệu” – ông Hải lo ngại.
Trước thực tế này, lãnh đạo công ty đã nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn như: Tập trung cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất đối với diện tích chất lượng cáo và diện tích “hái đúng - sấy đúng”; tiếp tục hỗ trợ không thu hồi các loại phân bón, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, than sấy, giá thu mua… với trị giá trên 800 triệu đồng cho nông dân… để bảo đảm triển khai được 5.000ha trong đó, 1.500 ha chất lượng cao; 420 ha “hái đúng - sấy đúng” với năng suất từ 1,8 tấn - 2 tấn/ha, sản lượng thu hoạch 9.500 tấn. Đối với tình trạng thiếu hụt lao động phân cấp đóng kiện, công ty tuyên truyền động viên, hướng dẫn người nông dân phân cấp, phân loại, sau khi nguyên liệu ra khỏi lò sấy đồng thời chủ động tìm kiếm người lao động ở các vùng khác đến làm lao động thời vụ.