Kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Chưa có phản hồi về đơn kiến nghị của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam |
Trước đó, tập thể nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam làm đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị đưa giải pháp cho gần 300 phim bị dính bết, hư hỏng nặng ở kho bảo quản.
Đồng thời nhấn mạnh đây là tổn thất nghiêm trọng và đề xuất, Công ty Vận tải thủy Vivaso phải in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, ở dạng dương bản và chuyển lại cho Nhà nước quản lý.
Theo đơn kiến nghị, những bộ phim này đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đi trước. Nhiều bộ phim đạt những thành tựu lớn tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, là di sản văn hóa của cả dân tộc; đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có phương án đánh giá công khai, minh bạch thiệt hại này để Vivaso có phương án đền bù.
Nhiều năm qua, Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện việc lưu trữ phim bằng công tác số hóa. Tuy nhiên, số lượng phim số hóa chưa được thống kê đầy đủ. Hơn nữa, chất lượng của bản kỹ thuật số không thể bằng bản gốc.
Lên tiếng về đơn kiến nghị của các nghệ sĩ, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, nhằm đánh giá hiện trạng bảo quản kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã cử cán bộ xuống Hãng khảo sát, xem xét. Thực trạng cho thấy những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng. Tình trạng này đã diễn ra vài năm nay rồi, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn.
Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, sau cổ phần hoá, trách nhiệm quản lý, bảo quản và đầu tư cơ sở vật chất tại Hãng phim, trong đó có kho phim thuộc về Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là nhà đầu tư chiến lược, nắm phần lớn cổ phần. Các nghệ sĩ của Hãng phim hầu như không có ai được vào kho phim để nắm bắt thực trạng những bộ phim được bảo quản như thế nào.
Cụ thể, 291 bộ phim gồm có 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ, 13 phim còn lại do Hãng phim truyện Việt Nam tự khai thác, hợp tác sản xuất. Trước đây, trong thời kỳ điện ảnh sản xuất phim nhựa, mỗi phim trong số 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Bản được giữ tại Hãng phim truyện Việt Nam phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim.
“Hiện nay các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị”- ông Thành thông tin.
Về ý kiến 300 phim ở Hãng phim truyện Việt Nam "chỉ là bản sao” được các nghệ sĩ cho là không chính xác, gây hiểu lầm, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói thêm rằng, nguyên tắc là bản gốc của các bộ phim Nhà nước đặt hàng đương nhiên phải nộp về Viện phim Việt Nam.
Những bản phim gốc theo pháp lý quy định này trong nhiều thập kỷ qua vẫn luôn được bảo quản đúng tiêu chuẩn, an toàn tại Viện phim; với điều kiện kho, nhiệt độ đạt chuẩn, các thiết bị về phòng cháy chữa cháy… Cùng với bản phim gốc, hồ sơ lưu tại Viện phim Việt Nam còn bao gồm đầy đủ kịch bản, poster quảng cáo, bản phim duyệt, bản phim chính. Nghĩa là toàn bộ các thành phần tạo nên từng bộ phim đều được lưu tại Viện phim.
Trong khi đó, theo Cục Điện ảnh, các bản phim tại Hãng phim truyện Việt Nam sau một thời gian không được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn nên chất lượng của phim bị hỏng hóc. Tuy nhiên, trước thực trạng của 278 bản phim tại Hãng phim như hiện nay, để xác định rõ mức độ thực tế cũng cần có ý kiến, phân tích của các chuyên gia có chuyên môn sâu về kỹ thuật điện ảnh nói chung, kỹ thuật in tráng phim nhựa, kỹ thuật chỉnh tiếng, chỉnh màu nói riêng.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Năm 2016, hãng chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Công ty Vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6 cùng năm.
Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa hãng có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Sau kết quả này, Công ty Vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim – xin thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình này hiện vẫn chưa hoàn tất.