“Cứu” đất lúa kém hiệu quả
Ảnh minh họa |
Có một thực tế không thể bàng quan: Thu nhập của nông dân trồng lúa khá thấp. Tính toán sơ sơ, 1 ha lúa trồng 1 năm 2 vụ, thu hoạch hơn 10 tấn, tương đương 60 - 70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công… thường chiếm khoảng 70%), nông dân chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/ha.
“Vì sao nông dân trồng lúa chưa giàu?” là câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều năm trước, đến nay đã có nhiều giải pháp được thực thi trong thực tế, song vẫn chưa mang tính thuyết phục cao.
Chẳng hạn, phải giảm lúa gạo chất lượng thấp, đầu tư vào lúa gạo chất lượng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, nhìn vào cái gốc - giống lúa - rất khó… lạc quan. Có chuyên gia về giống lúa than thở: Đầu tư giống lúa không có tính kế thừa, liên tục.
Một giống lúa thuần phải mất 10 năm nghiên cứu, nhưng nghiên cứu được 5 năm rồi bỏ, kết quả trở về… số 0. Đã có vài doanh nghiệp đầu tư giống lúa chất lượng cao để làm thương hiệu nhưng cũng chỉ như vài con đom đóm trong đêm dài.
Có ý kiến cho rằng, ngô hoặc tôm có thể “cứu” đất trồng lúa chất lượng thấp. Thực tế thế nào?
Về cây ngô, Chính phủ đã nhìn thấy triển vọng sáng sủa nên đã có quyết sách rất lớn: Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô trên cả nước. Đây được coi là cú huých chính sách mạnh mẽ. Song, với năng suất ngô thấp, chỉ khoảng 4,8 tấn/ha, ngay cả những giống ngô ngoại biến đổi gen cũng chỉ 6 - 7 tấn/ha (năng suất ngô tại Mỹ tới 10 - 12 tấn/ha), giá thành cao hơn giá ngô nhập khẩu, liệu tác động của cú huých chính sách đó ra sao?
Còn con tôm thì sao? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm nay, cả nước có thể tăng diện tích tôm nước lợ lên 690.000 ha để có sản lượng khoảng 680.000 tấn tôm, tăng được 50.000 tấn tôm, tương đương trị giá 1 triệu tấn lúa. Đáng chú ý, hiện Việt Nam chỉ tập trung vào giống tôm sạch bệnh, nuôi mật độ cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao, nhiều rủi ro... Tôm có thể thay thế hiệu quả cây lúa?
Muốn chuyển đổi đất lúa hiệu quả cao phải đầu tư từ gốc: Giống. Nếu không, kỳ vọng rất có thể thành... thất vọng!