Ngành Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã triển khai với hiệu quả cao nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn trao đổi với phóng viên báo Công Thương xung quanh nội dung này.
Thưa ông, Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, trong đó phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, xin ông cho biết cụ thể về nội dung này?
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, như: Hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu nhằm đưa các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh tiếp cận thị trường trong nước.
Cụ thể, năm 2017 tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn”; năm 2018 tổ chức “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội”; năm 2019 tổ chức “Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019”; năm 2020, tổ chức “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2020”; năm 2021 tổ chức Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” tại tỉnh Bắc Kạn.
Ông Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn |
Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, gồm: Ngày hội nông sản – OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 và Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm- sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022. Chương trình xúc tiến thương mại năm nay còn gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm vùng sinh thái bí xanh thơm và trúc sào. Hoạt động này kỳ vọng “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa tiêu thụ được sản phẩm cho bà con vừa phát triển du lịch.
Thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp ngoài tỉnh để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối đối tác tiêu thụ nông sản cho bà con.
Bí xanh thơm là đặc sản của Bắc Kạn, tuy nhiên diện tích trồng, nhất là diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa cao, tỉnh có dự định gì để phát triển vùng trồng theo quy mô hàng hoá, thưa ông?
Bí xanh thơm Bắc Kạn là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể. Trái bí có dáng thon dài, vỏ dày và cứng với các đặc điểm toàn bộ thân, lá, hoa và quả có mùi thơm đặc trưng, trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,5 - 3kg/quả. Khi đến kỳ thu hoạch, bí có vỏ màu xanh đậm hoặc xanh phủ phấn trắng, thịt quả đặc, có màu xanh phớt, khi chế biến có độ dẻo, vị đậm, ngậy béo và có mùi thơm rất hấp dẫn nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được 221 ha, chủ yếu tại huyện Ba Bể với 180 ha, năng suất ước đạt 356,2 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt gần 8.000 tấn. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có 3 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 2 ha được cấp chứng nhận hữu cơ PGS.
Bí xanh thơm là mặt hàng được tỉnh định hướng phát triển theo quy mô hàng hoá, tuy nhiên cho đến nay sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Thực tế nhiều hợp đồng tiêu thụ bí xanh thơm cho bà con không được ký kết do không đảm bảo về sản lượng.
Trước hiện trạng trên, lãnh đạo UBND đã chỉ đạo các huyện, nhất là nơi có nguồn tài nguyên nước và khí hậu phù hợp như Ba Bể thực hiện quy hoạch để có nguồn bí xanh thơm đủ lớn đáp ứng nhu cầu.
Được biết, trên địa bàn tỉnh đã manh nha công nghiệp chế biến nông sản, cụ thể là chế biến sản phẩm từ bí xanh thơm, ông chia sẻ đôi nét về điều này?
Từ quả bí xanh thơm Ba Bể, một số hợp tác xã đã chế biến ra sản phẩm Trà bí thơm Ba Bể mang hương vị riêng đặc trưng. Sản phẩm Trà bí thơm Ba Bể đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trà bí thơm có tác dụng tốt cho gan, thận, giải nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, tốt cho người bị tiểu đường. Đặc biệt, mùi hương dễ uống, dịu mát và an toàn. Trà bí thơm là sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu đặc sản nông sản Bắc Kạn góp phần giúp cây bí xanh thơm phát triển mang tính bền vững.
Bắc Kạn triển khai đa dạng hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc thiểu số |
Tuy nhiên như đã chia sẻ, sản lượng bí xanh thơm hiện còn khiêm tốn, chưa đủ cho nhu cầu chế biến sản phẩm. Chúng tôi cũng đã kêu gọi nhà đầu tư vào chế biến nông sản nhưng đến giờ phút này doanh nghiệp còn khá e dè. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động mở rộng quy mô vùng trồng, song song với đó đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu.
Trong nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ, phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số, ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Công Thương?
Một trong những nhiệm vụ chính của ngành Công Thương là thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối cung- cầu, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi luôn nỗ lực để sản phẩm của bà con được quảng bá rộng nhất có thể, được nhiều đối tác tìm đến.
Những hoạt động hỗ trợ thiết thực của ngành đã tạo hiệu ứng tốt, sản lượng tiêu thụ nông sản tăng qua hàng năm. Để các hoạt động xúc tiến thương mại phát huy hơn nữa hiệu quả, chúng tôi mong muốn UBND các huyện, các hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP mở rộng diện tích vùng trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thực hiện chỉ dẫn địa lý nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho sản phẩm không chỉ tại thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.