Nhiều mô hình du lịch sinh thái tự phát trên đất nông nghiệp
Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã “điểm danh” nhiều mô hình du lịch sinh thái ở khu vực miền núi trên địa bàn thành phố hình thành tự phát trên đất nông nghiệp.
Qua giám sát, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng phát hiện nhiều mô hình du lịch sinh thái tự phát trên đất nông nghiệp tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chưa đúng qui định |
Cụ thể, qua giám sát chuyên đề về tình hình trên đất nông nghiệp, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân cho biết, tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đã ghi nhận tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp để hình thành các dịch vụ du lịch. Các mô hình phát triển du lịch này tự ý dựng lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp để phục vụ việc tổ chức sinh hoạt, vui chơi, trải nghiệm, một số mô hình có áp dụng cả lưu trú.
Ví dụ như khu du lịch khu A Lăng Như (thôn Gián Bí); khu Heart Organic Farm (thôn Phò Nam); khu Làng Coco (thôn Lộc Mỹ); khu Làng Mê (thôn Nam Yên); khu Yên Retreat (thôn Nam Yên)…. Cùng với đó, có một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình du lịch sinh thái ở tuyến đường thôn Tà Lang - Giàn Bí cũng chưa đúng quy định.
Ngoài ra, hoạt động chuyển quyền sử dụng đất chưa đúng đối tượng, chưa chặt chẽ.
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, trong công văn gửi Thường trực HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng, ban Đô thị đã kiến nghị huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc chấn chỉnh, xử lý và chấm dứt việc sử dụng đất không đúng mục đích. Đồng thời, yêu cầu huyện rà soát, thống kê, đề xuất các mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo Nghị quyết 82/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân thành phố. Đồng thời tuyên truyền để người dân nắm Nghị quyết này cũng như nắm được các nguyên tắc thí điểm, các dịch vụ du lịch được triển khai thí điểm.
Nhiều người dân tại xã Hòa Bắc chuyển sang làm du lịch sinh thái trên đất nông nghiệp do việc trồng các cây chủ lực những năm gần đây không cho thu nhập như kỳ vọng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn |
Cần thiết phải tháo dỡ ngay các mô hình du lịch sinh thái của người dân?
Hòa Bắc là một xã miền núi của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, có tổng diện tích 34.414,65 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 1,58% đất tự nhiên với hơn 542 ha; đất lâm nghiệp hơn 33.000 ha, chiếm 95,91%. Xã có 7 thôn, trong đó, 2 thôn đồng bào Cơ tu sinh sống là Tà Lang và Giàn Bí. Năm 2021, thu nhập trung bình của người dân là 43 triệu đồng/người/năm.
Là một xã miền núi thuần nông nghiệp, kinh tế xã trong những năm qua thuần dựa vào nông nghiệp với một số cây chủ lực như mía, ngô, dưa hấu… Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng chung của các cây nông nghiệp chủ lực đều rơi vào “được mùa mất giá”, thậm chí “mất mùa mất giá”, nhất là trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua dễ dàng bắt gặp tình cảnh kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ, “giải cứu” đầu ra cho nông sản huyện Hòa Vang. Vì vậy thu nhập của đời sống người dân xã Hòa Bắc rất bấp bênh.
Tận dụng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, núi rừng, sông suối, một số hộ dân đã tự thực hiện những mô hình du lịch sinh thái để tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập.
Là chủ homestay A Lăng Như (thôn Giàn Bí) - một trong những mô hình du lịch sinh thái bị “điểm danh” chưa đúng quy định, ông Đinh Văn Như cho biết: việc xây dựng mô hình chỉ mong muốn tạo thêm sinh kế, quảng bá văn hóa Cơ Tu. Homestay được thiết kế đơn giản bằng những nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên như tre, gỗ, đá…. Mô hình du lịch không những phát triển kinh tế cho gia đình ông Như mà còn tạo thêm sinh kế cho nhiều người dân, và góp phần quảng bá, gìn giữ văn hóa Cơ Tu.
Theo một đại diện lãnh đạo xã Hòa Bắc, công văn của Ban Đô thị gửi Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng có một số đặc điểm chưa phù hợp với thực tế như nội dung một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái dọc tuyến đường Tà Lang - Giàn Bí đến đèo Mũi Trâu là không có. Bên cạnh đó, các trường hợp được điểm danh là xây dựng không đúng quy định trên thực tế đều là những mô hình của người địa phương, các lều trại, hàng quán được lắp bằng vật liệu thô sơ như tre, nứa, gỗ, sát. Không có trường hợp “bê tông hóa”.
“Muốn tháo dỡ các mô hình thì nhanh thôi, vì họ làm cũng đơn sơ. Nhưng thay vì cấm đoán, thì tìm cách giải quyết để coi phát triển du lịch sinh thái như là một hướng đi mới để tạo sinh kế và thu nhập cho người dân. Tất nhiên là phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ đúng qui định của pháp luật”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Thay vì yêu cầu tháo dỡ ngay các mô hình du lịch sinh thái, chính quyền thành phố Đà Nẵng có nên tìm giải pháp để người dân Hòa Bắc phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, môi sinh và đúng theo quy định của pháp luật? |
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc - ông Thái Văn Hoài Nam cũng thừa nhận có tình trạng người dân tại xã làm du lịch trên đất nông nghiệp. Dù việc làm này làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn chưa hiểu rõ nên còn vướng quy định của pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - ông Phan Văn Tôn, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp (theo Nghị quyết 82 của HĐND thành phố Đà Nẵng), huyện sẽ hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Gia đình chị Đinh Thị Xuân (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là một trong những gia đình có thu nhập trông vào cây mía và thường xuyên chịu cảnh “mất mùa, mất giá”. Thấy khách du lịch có xu hướng tăng, gia đình chị cũng trồng một vườn hoa cánh bướm nhỏ để du khách “check - in” miễn phí khi dừng chân uống nước hoặc thưởng thức đặc sản tại quán. Chị Xuân cho biết, trong dịp lễ 30/4, 1/5, vườn hoa của chị đã đón rất nhiều du khách. “Chúng tôi hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Tôi cũng dựng một vài tấm gỗ làm đường đi, ghế ngồi trong vườn hoa để du khách chụp ảnh. Rồi họ dùng nước, đồ ăn của mình, coi như cả đôi bên cùng có lợi”, chị Xuân chia sẻ. |