Đà Nẵng: Cương quyết xử lý các dự án “xí phần” đất, chậm triển khai
Doanh nghiệp sản xuất cơ bản hoạt động ổn định trở lại
Số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2022 đã tăng 2,12% so với cùng kỳ 2021. Chỉ số sử dụng lao động trong khu vực công nghiệp đang có tín hiệu lạc quan tăng trở lại so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất tại TP. Đà Nẵng lạc quan, tin tưởng tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2022 sẽ ổn định và tốt hơn quý I/2022.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng đang dần ổn định trở lại và có tín hiệu tăng trưởng tích cực |
Theo ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng, tình hình sản xuất, kinh doanh trong và ngoài KCNC và các KCN đã cơ bản ổn định trở lại, nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng khá, có doanh nghiệp tăng trưởng vượt mức so với cùng kỳ các năm trước.
Trong năm 2021, KCNC và các KCN thu hút được 24 dự án đầu tư mới. Trong đó, có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 145,45 triệu USD, 19 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 786,9 tỷ đồng. Quý I/2022, cấp mới chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, 7/9 dự án là dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 1.199 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021.
Doanh thu trong KCNC và các KCN năm 2021 đạt 49.390 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.970 tỷ đồng.
Dự kiến tháng 6/2022, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn Đầu tư 2022 để kêu gọi, thu hút đầu tư vào thành phố. |
Trưởng Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng đề nghị thành phố có chủ trương giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2022 và năm 2023 (hiện nay Đà Nẵng đã có chủ trương và đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ giảm 50% phí hạ tầng cho doanh nghiệp sản xuất trong năm 2021).
Đẩy nhanh xây dựng KCN mới, cương quyết xử lý dự án chậm triển khai
Tại buổi làm việc với Đảng ủy KCNC và các KCN Đà Nẵng mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, trong thời gian qua, thành phố đã dành ưu tiên nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN, tuy nhiên, việc sử dụng đất tại các KCN chưa hiệu quả, công tác thu hút đầu tư chưa được như kỳ vọng.
TP. Đà Nẵng sẽ cương quyết xử lý những dự án chây ì, chậm triển khai, không để xảy ra chuyện "xí phần" trong các KCN gây lãng phí đất đai (Ảnh: Khu CNC Đà Nẵng) |
Thừa nhận tỷ lệ lấp đầy trong các KCN và KCNC còn thấp, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Trần Phước Sơn cho rằng một phần nguyên nhân là do công tác thu hút đầu tư chưa thực sự hiệu quả. Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, ngoài xúc tiến đầu tư mang tính quốc gia, thành phố sẽ xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh tại các KCN.
Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp, đặc biệt công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế thành phố, cần ưu tiên phát triển, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng cùng với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 KCN: Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Ninh, Hoa Nhơn. Việc quy hoạch, xây dựng các KCN mới cần phải lựa chọn nhà thầu có năng lực. Đồng thời, chủ động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào KCN, KCNC để sử dụng hiệu quả quỹ đất.
Song song với thu hút đầu tư, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban quản lý KCNC và các KCN rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất thành phố kiên quyết xử lý dứt điểm, thu hồi các dự án chậm triển khai, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
“Phải cương quyết xử lý những dự án chậm triển khai trong KCNC và các KCN. Việc này phải làm mạnh, thu hồi ngay đối với những dự án, doanh nghiệp chây ì. Không có chuyện đầu tư tài sản công để đắp chiếu, gây lãnh phí. Càng không thể có chuyện xí đất trong các KCN”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.