Đà Nẵng diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân |
Sáng 14/10, tại thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố năm 2022.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố Đà Nẵng năm 2022 tập trung vào tăng tính phối hợp ứng phó giữa các lực lượng khi có sự cố (Ảnh diễn tập: Khoanh vùng và xử lý khu vực có phông phóng xạ cao bất thường so với mức trung bình) |
Tình huống giả định đưa ra là vào lúc 8h ngày 14/10, tại một khu vực san lấp mặt bằng, nhân viên thuộc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Tư vấn Chuyển giao Công nghệ Đà Nẵng (Trung tâm) đang thực hiện đo đạc, cập nhật phông phóng xạ môi trường thì phát hiện khu vực san lấp này có phông phóng xạ cao bất thường so với mức phông phóng xạ trung bình của thành phố. Ngay sau đó, nhân viên này báo cáo cán bộ phụ trách chuyên môn để xác minh đánh giá lại giá trị đã đo được.
Sau kiểm tra, giá trị đo cho thấy hàm lượng các chất phóng xạ cao hơn mức phông môi trường 10 lần (100 Bq/kg) căn cứ trên mức độ báo động. Trung tâm báo cáo thường trực ứng phó sự cố Sở Khoa học và Công nghệ.
Ngay khi nhận được báo cáo báo, Ban chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố Đà Nẵng khởi động kế hoạch ứng phó sự cố để xác định nguồn gốc của vật liệu nói trên và thu hồi vật liệu xây dựng chứa đuôi phóng xạ tự nhiên.
Tại hiện trường, các lực lượng được huy động ứng phó triển khai khoanh vùng, đo phông phóng xạ ở khu vực san lấp mặt bằng và lân cận, xác định nguồn gốc phóng xạ và tiến hành thu hồi, đo kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ cá nhân cho người dân vào khu vực hiện trường. Sau đó tổng hợp thông tin và lập phương án thu hồi vật liệu san lấp có chứa phóng xạ.
Đến 9h30 cùng ngày, công tác ứng phó hoàn thành.
Thành phố Đà Nẵng là địa phương triển khai diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân sớm nhất trong cả nước (Ảnh diễn tập: Kiểm tra an toàn cho các nhân viên tham gia ứng phó sự cố sau khi xử lý xong sự cố) |
Ông Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng (thành viên Ban Chỉ đạo) cho biết, trong thời gian qua (từ năm 2016 – 2019) thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức diễn tập kịch bản ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân (năm 2020, 2021 tạm dừng diễn tập do dịch Covid – 19). Qua đó góp phần nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng tham gia diễn tập. Tuy nhiên, quá trình thực tiễn cho thấy vẫn còn tiềm ẩn một số nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân chưa đề cập, vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia đã hoàn thiện, đề xuất thêm 5 kịch bản ứng phó sự cố.
"Chương trình diễn tập năm 2022 nhằm kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố; việc truyền đạt thông tin giữa các tổ chức tham gia ứng phó; sự phối hợp của các đơn vị, các thành viên tham gia hoạt động; đánh giá khả năng ứng phó dựa trên nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện có của thành phố. Bên cạnh đó, còn tập trung rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng tham gia ứng phó sự cố", ông Viên cho hay.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến thời điểm hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông qua 55/63 kế hoạch ứng phó sự cố của các tỉnh, thành phố và Đà Nẵng là một trong những đơn vị triển khai kế hoạch diễn tập phòng ngừa bức xạ, hạt nhân sớm nhất, đều đặn qua các năm.