Tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức mới đây, vấn đề khi đi vay vốn ở ngân hàng thương mại phải đi kèm với mua bảo hiểm khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.
Ông Phạm Bảy bức xúc vì doanh nghiệp khó khăn phải đi vay ngân hàng nhưng lại bị bắt chẹt phải mua bảo hiểm |
Theo ông Phạm Bảy – Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Ông Bảy (TP. Đà Nẵng), khi vay vốn ở ngân hàng thương mại doanh nghiệp bị bắt buộc phải mua bảo hiểm. “Doanh nghiệp không có tiền, phải “cắn răng” vay, nhờ ngân hàng cứu giúp cho doanh nghiệp. Thậm chí lương không có trả, họ vay để trả; thuế không có để đóng, thì ngân hàng phải thấu hiểu chứ sao lại bắt buộc mua bảo hiểm. Doanh nghiệp khó khăn vay tiền về làm ăn mà bắt mua bảo hiểm là trái ngược”, ông Bảy bức xúc.
Ngoài ra, ông Bảy còn cho biết có trường hợp khi ngân hàng ép doanh nghiệp mua bảo hiểm nhưng doanh nghiệp không mua thì phải cam kết rút tiền mặt làm doanh nghiệp tốn nhiều chục triệu. “Việc các ngân hàng thương mại “đẻ” ra các khoản như vậy ngân hàng Nhà nước có biết không?”, ông Bảy thắc mắc và mong muốn Ngân hàng Nhà nước quản lý các ngân hàng thương mại để lành mạnh thị trường tài chính.
Ông Bảy đại diện cho doanh nghiệp cũng mong muốn việc giảm lãi theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (hạ lãi suất từ 1,5 – 2%) sẽ thành hiện thực. “Thực tế là cấp trên nói chứ cấp dưới không có làm. Đối với doanh nghiệp như chúng tôi thì được giảm 1% hay 0,5% cũng hết sức mừng”, ông Bảy nói.
Tương tự, ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng các ngân hàng thương mại hiện áp dụng quá nhiều chi phí và điều kiện khi doanh nghiệp muốn vay vốn, cụ thể là đề nghị doanh nghiệp mua bảo hiểm nhân thọ mới được vay, hoặc không mua bảo hiểm vẫn cho vay nhưng vay với lãi suất cao hơn hẳn.
Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng cho biết chủ trương ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ là từ hội sở, và đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại ở cơ sở phải có tiếng nói phản kháng vì lợi ích của khách hàng |
Theo ông Võ Minh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng, bảo hiểm hiện có 2 loại là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Ông Minh khuyến khích các doanh nghiệp nên mua bảo hiểm phi nhân thọ để đảm bảo cho doanh nghiệp khi xảy ra rủ ro thiên tai không mong muốn. “Ví dụ như miền Trung hay xảy ra thiên tai, bão lũ. Khi xây dựng nhà xưởng thì doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho nhà xưởng để nếu như không may thiên tai, nhà xưởng bị đổ, hư, doanh nghiệp không có tiền trả nợ thì lấy khoản bảo hiểm này ra để chi trả. Đây là bảo hiểm phi nhân thọ”, ông Minh diễn giải.
Riêng bảo hiểm nhân thọ, ông Minh cho biết đã cảnh báo cách đây nhiều năm khi một số ngân hàng thương mại ký kết bán bảo hiểm nhân thọ. "Việc các ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ là xuất phát từ Hội sở. Tôi rất thông cảm cho các ngân hàng chi nhánh ở đây, vì ngân hàng chi nhánh là cấp dưới, Hội sở giao chỉ tiêu thì phải thực hiện. Không thực hiện thì còn bị cắt lương, cắt thưởng", ông Minh nói và thông tin thêm, trong các hội nghị của Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng thương mại bản thân ông hay kiến nghị phản đối điều này, nhưng một số ngân hàng thương mại vẫn biện minh là bảo hiểm nhân thọ tốt thế này thế kia.
“Bảo hiểm nhân thọ tốt, chứ không phải không tốt. Nhưng nó tốt với những người có điều kiện, có dư thừa, có khả năng, chứ không phải tốt với toàn dân”, ông Minh nói và cho rằng, thực ra do nhiều khoản lợi nên ngân hàng thương mại bất chấp để ép khách hàng mua bảo hiểm.
Doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng cho biết lãi suất ngân hàng thương mại cao, khó tiếp cận vốn mới do ngân hàng áp dụng quá nhiều chi phí và điều kiện khi doanh nghiệp muốn vay vốn |
Ông Minh cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng nhận được nhiều đơn của người dân kiến nghị về việc ngân hàng thương mại ép mua bảo hiểm khi vay tiền. Ông Minh đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại phải có tiếng nói phản kháng từ cơ sở lên Hội sở, "chứ không phải Hội sở nói gì cũng nghe hết".
Mới đây (2/3), ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại trên địa bàn yêu cầu báo cáo số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, để ngân hàng Nhà nước tổng hợp tổng số hợp đồng bảo hiểm ngân thọ trên toàn địa bàn TP. Đà Nẵng. “Việc ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ rất là phi lý trong hệ thống thị trường tài chính hiện nay. Tôi kịch liệt phản đối việc này. Có số liệu về số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì tôi sẽ tổng hợp và ngay lập tức báo cáo ngân hàng Nhà nước Trung ương”, ông Minh nói.
Liên quan đến việc doanh nghiệp Đà Nẵng phản ánh hiện đang chịu gánh nặng về lãi suất cao, lãi suất ngân hàng thương mại có khi lên đến 12,5% - 13,0%/năm; khó tiếp cận vốn vay mới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết vấn đề lãi suất phụ thuộc vào diễn biến tài chính chung của thế giới. Hiện Mỹ đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát (Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 8 lần liên tiếp gần đây, hiện đang ở biên độ 4,5 – 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007 – PV) dẫn đến ngân hàng Trung ương ở tất cả các quốc gia khác phải tính đến tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Định hướng của ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2023 là điều hành theo xu hướng giảm dần để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chứ không tăng thêm. |