Đà Nẵng mong muốn các quốc gia Tây, Bắc Âu hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh
Sáng 20/5, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”.
Thành phố Đà Nẵng tham khảo kinh nghiệm và mong muốn được các nước Tây, Bắc Âu hỗ trợ các nguồn lực xây dựng thành phố thông minh |
Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh cho biết, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 thành phố “hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Từ năm 2010, thành phố Đà Nẵng đã tiếp cận và có những bước tiến trong việc xây dựng chính quyền điện tử; chính quyền thông minh trong một số lĩnh vực như giao thông, y tế, môi trường… Năm 2018, thành phố đã ban hành kiến trúc thành phố thông minh bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; cùng với đó là kế hoạch triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề ra các lộ trình, dự án ưu tiên cụ thể.
Để thực hiện thành công mục tiêu thành phố thông minh, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, có tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để học tập, tiếp cận, nhận được chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng mong muốn trong thời gian tới các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu quan tâm, hỗ trợ thành phố các nguồn lực về con người (chuyên gia), công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh.
Đặc biệt, Đà Nẵng mong muốn thông qua các đại sứ các quốc gia Tây, Bắc Âu sẽ kêu gọi được các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm việc, kinh doanh và đầu tư tại thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp Đà Nẵng mở rộng, kết nối, đưa giải pháp công nghệ số của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung ra thị trường quốc tế.
Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương nổi bật tại Việt Nam trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ số vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, và xây dựng thành phố thông minh |
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, với những nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng thành phố đáng sống, đô thị thông minh, thành phố Đà Nẵng có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng được các điều kiện để từng bước xây dựng thành phố thông minh.
Tiến sĩ Trần Ngọc Linh - Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng cho biết, đã có 57/63 tỉnh thành đã và đang triển khai các nội dung liên quan đến phát triển đô thị thông minh. 44/63 tỉnh thành đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Chính phủ cũng đang xây dựng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về thành phố thông minh.
Tuy nhiên, TS Trần Ngọc Linh khuyến nghị, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh phải thận trọng không phát triển theo phong trào. “Tại từng giai đoạn phải đưa ra những đề xuất, ưu thế, ưu tiên cụ thể; phát triển đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo tính nhất quán theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung”, ông Linh nói.