7.000 gốc hoa đồng tiền của HTX Rau - hoa - củ - quả Hòa Vang đến thời kỳ cho hoa nhưng khó tiêu thụ do dịch Covid - 19 |
Ùn ứ, rớt giá do Covid – 19
HTX Rau – hoa – củ - quả Hòa Vang là một điển hình trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp thích ứng của TP. Đà Nẵng. HTX đã chuyển hướng dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh, trồng quả bằng nông nghiệp hữu cơ với hệ thống nhà giàn hiện đại; kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. HTX có 7 thành viên chính và tạo việc làm thường xuyên cho 22 lao động. Dịch Covid – 19 xuất hiện, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của HTX bị “đứng chựng”.
“Do ảnh hưởng của Covid – 19, tiêu thụ hoa cắt cành (hoa đồng tiền) rất khó khăn. 7.000 gốc hoa đồng tiền đến ngày thu hoạch mà hàng quán đóng cửa, không biết phải bán cho ai”, ông Nguyễn Thắng – Giám đốc HTX Rau – hoa – củ - quả Hòa Vang nói.
Theo ông Thắng, nếu không gặp dịch Covid – 19, lượng hoa đã được các đại lý, thương lái thu mua và đặt hàng hết ngay từ tháng 3/2020. Nhưng do dịch Covid – 19, tất cả chững lại, sức tiêu thụ giảm tới 70%. “Sức tiêu thụ giảm kéo theo giá thành cũng giảm tới 40% mà vẫn ùn ứ, 50% lao động phải tạm nghỉ việc, thu nhập hội viên HTX cũng bị ảnh hưởng. Một số khu vực nhà giàn hiện đang tạm thời để trống. Dịch bệnh mà, ai muốn đâu. May mắn là chúng tôi vẫn còn có thu thập, vẫn có cái đển bán”, ông Thắng chia sẻ và cho biết lượng dưa lưới của HTX vẫn có đầu ra ổn định nhờ chất lượng và năng suất tốt.
Vườn hữu cơ An Việt (Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng) chuyên canh 10.000 gốc dưa lưới trên tổng diện tích hơn 3.500m2. Trước thời điểm có dịch, lượng dưa thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đó. Trong đó, dưa loại 1 thì vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị như Tâm An, An Phú, Vita mart,…, dưa loại 2, loại 3 thì về chợ đầu mối. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, sức tiêu thụ chung giảm khiến cho lượng dưa tại vườn bị ùn ứ nhiều, giá thành cũng giảm.
“Trồng gối đầu nên có dưa để thu hoạch thường xuyên. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ giảm lượng dưa ùn lại nhiều trong khi giá thành giảm từ 50.000 đồng/kg xuống chỉ còn 40.000 đồng/kg nhưng vẫn không tiêu thụ được”, ông Nguyễn Thế Cường, chủ vườn nói và cho biết đối với khu vực dưa đã thu hoạch, tạm thời, ông chuyển sang trồng rau ăn lá, để nghe ngóng tình hình sau dịch mới trồng lại.
2 vụ dưa của người dân thôn Trường Định đều trúng vào thời điểm dịch Covid - 19, riêng đợt dưa lần 2 người dân vừa bị mất mùa, vừa mất giá |
Còn tại thôn Trường Định (Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), lẽ ra vào thời điểm này cả thôn đang ngoài đồng để thu hoạch dưa bán cho thương lái phục vụ cúng Rằm tháng 7 (Âm Lịch). Dù giá cao, giá thấp gì những có thu hoạch, cũng tấp nập người đến và đi. Nhưng năm nay cả thôn đìu hiu vì đã mất mùa còn trúng dịch không có người thu mua nên mất luôn giá.
Ông Võ Văn Chín (Thôn Trường Định, Hòa Liên) cho biết cả 2 vụ dưa hấu của thôn năm nay đều trúng thời điểm dịch Covid – 19. Nhưng vụ dưa đầu (tháng 4/2020) người dân cũng còn có thu hoạch. Còn vụ dưa này dù là vụ chính của năm nhưng người trồng dưa gần như mất trắng. “Tôi trồng hơn 1 mẫu dưa, nếu đạt năng suất phải thu hoạch được 12 tấn nhưng năm nay hạn hán, xâm nhập mặn, chỉ thu được có gần 3 tấn, bằng 1/4 bình thường. Đấy là tôi còn may mắn có thu hoạch, nhiều người mất trắng không thu được quả nào”, ông Chín chia sẻ và nói thêm: “Đã mất mùa còn rớt giá. Dịch Covid – 19 nên không có người thu mua. Tìm mãi thì họ ép giá. Giá dưa lúc đạt có thể lên tới 8.000 đồng/kg, giờ tụt xuống còn 3.500 – 4.000 đồng/kg. Nhưng rồi cũng phải bán, cố lắm thì bù được chi phí bỏ ra, coi như không công”.
Có sự giúp sức của cộng đồng, toàn bộ lượng dưa lưới bị ùn ứ của vườn hữu cơ An Việt đã được tiêu thụ hết |
Sẽ thống kê thiệt hại, kết nối hỗ trợ đầu ra cho nông sản
Ông Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng các loạt nông sản, thủy sản trên địa bàn xã đều giảm năng suất. Cùng với đó, dịch Covid – 19 khiến giá các loại nông sản đều đồng loạt giảm, như giá dưa chỉ còn 3.500 đồng/kg (giảm mạnh so với thời điểm đạt giá cao 8.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với đợt 1/2020 4.000 – 4.500 đồng/kg); rau củ giá bán thấp hơn thời điểm trước dịch khoảng 15%; tôm loại 1 giá giảm từ 300.000 – 350.000 đồng/kg xuống còn 200.000 – 250.000 đồng/kg, sức mua yếu; khoảng 7 tấn cá dìa, cá đối, cá diêu hồng cần tiêu thụ nhưng khó khăn đầu ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vân – Chủ tịch Hội nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, hầu hết đầu ra của các loại nông sản gặp khó khăn hơn trước. Ngoại trừ mặt hàng rau ăn lá (rau muống, cải xanh, rau lang….) tiêu thụ bình thường (giá có giảm nhẹ), còn lại các loại nông sản đều bị ảnh hưởng. “Do tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Hòa Vang thời gian qua diễn biến phức tạp nên việc kiểm tra tình hình thực tế có phần hạn chế. Hiện dịch bệnh đã được khống chế nên huyện đang ghi nhận thực tế để có thống kê cụ thể về thiệt hại sau đó sẽ có kế hoạch hỗ trợ nông dân”, ông Vân nói.
Ông Nguyễn Đình Ca – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang xác nhận có sự khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. “Hiện huyện đang thống kê thực tế, khi có tình trạng dư thừa, ùn ứ thì Phòng Nông nghiệp huyện sẽ đứng ra hỗ trợ, tìm đầu mối giúp người dân tiêu thụ sản phẩm”, ông Ca nói và cho biết, mặt hàng khó tiêu thụ nhất ở thời điểm hiện tại là hoa cắt cành. “Hoa cắt cành trồng quanh năm, nhưng do Covid-19 ảnh hưởng, các nơi kinh doanh hoa tươi cắt cành đều đã đóng cửa, người dân lại không có nhu cầu mua hoa nhiều trong lúc này, cho nên việc tiêu thụ hoa cắt cành đang khó”, ông Ca cho hay.
Nhờ trồng dưa lưới công nghệ cao, năng suất và chất lượng ổn định nên lứa dưa lưới của HTX Rau - hoa - củ - quả Hòa Vang vẫn có đầu ra ổn định và được đặt mua hết |
Theo bà Nguyễn Thanh Tâm – Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hòa Vang, đơn vị sẽ phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang có thống kê cụ thể về lượng hàng hóa tồn đọng để hỗ trợ dầu ra cho nông sản. “Phòng kinh tế hạ tầng huyện đã có kết nối với Sở Công Thương để có kết nối với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, các đơn vị thu mua. Khi có thông tin số lượng cụ thể, Chúng tôi sẽ kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cho rằng vẫn còn tình trạng nông sản ùn ứ cục bộ một phần do nông sản của huyện vẫn chưa giải quyết được bài toán số lượng và chất lượng. Điểm mấu chốt để tiêu thụ nông sản đó là sản lượng và chất lượng đầu ra phải đảm bảo. “Không thể nay có nhiều thì cung cấp nhiều, mai không có thì báo hết hay nay cung cấp sản phẩm đạt chất lượng nhưng mai cung cấp sản phẩm không đạt chất lượng được. Mà đảm bảo duy trì số lượng và chất lượng đồng đều theo các cam kết thì mới chỉ có rất rất ít đơn vị trên địa bàn huyện Hòa Vang nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung làm được”, bà Tâm phân tích.