Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ - khẳng định: Nếu không thực hiện được di dời người dân, 2 nhà máy thép sẽ phải đóng cửa |
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, 2 dự án nhà máy thép Đa Na Úc, Đa Na Ý đã được cấp phép xây dựng và hoạt động từ thời kỳ Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Vị trí đặt 2 nhà máy vào thời điểm đó hầu như không có dân cư sinh sống. Tuy nhiên, quá trình phát triển xã hội dân cư ngày một đông đúc và dần sát gần lại khu vực này.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận việc 2 nhà máy gây ô nhiễm không phải bây giờ mà đã từ nhiều năm nay, khiến người dân sống ở khu vực xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) bức xúc. Tuy nhiên, trước đây thì người dân chịu đựng được, nhưng bây giờ ô nhiễm đã quá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân nên thành phố buộc tính đến phương án giải quyết dứt điểm, hoặc là di dời nhà máy hoặc là di dời khu dân cư.
Về phương án di dời nhà máy, ông Thơ cho biết, thành phố đã cân nhắc, nhưng quỹ đất của Đà Nẵng hạn hẹp, không còn chỗ để di dời. Trong khi ước tính kinh phí cho việc di dời 2 nhà máy này lên đến 1.500 tỷ đồng. “Sở Xây dựng đã tìm mấy tháng trời mà tìm không ra nơi để di dời nhà máy ”, ông Thơ nói. Vì vậy, thành phố chọn phương án di dời dân cư. Kinh phí di dời bao gồm di dời, giải tỏa, đền bù và ổn định đời sống người dân sẽ do 2 nhà máy này bỏ ra.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Nếu không thực hiện di dời, giải tỏa được thì nhà máy buộc phải đóng cửa”. Ông Thơ cũng cho biết thêm, mặc dù thực hiện di dời người dân rồi, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài các công ty thép muốn tiếp tục tồn tại phải thay đổi công nghệ, khắc phục hoàn toàn ô nhiễm môi trường và có lộ trình chuyển đổi công năng, trong 15 năm nữa sẽ không còn sản xuất thép nữa.
Vấn đề ô nhiễm do sản xuất thép của 2 nhà máy thép trên đã được nhiều đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng chất vấn trong các kỳ họp trước đây và lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đã “hứa” sẽ vào cuộc mạnh mẽ, nhưng chưa thu được kết quả cụ thể. Do quá bức xúc, nhiều lần người dân khu vực xung quanh đã kéo đến “vây” nhà máy. Theo thống kê có khoảng 400 hộ dân chịu ảnh hưởng do ô nhiễm của 2 nhà máy sản xuất thép gây ra. Kinh phí bồi thường, di dời, giải tỏa dự tính khoảng 243 tỷ đồng.