Buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm… đang là vấn nạn ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, đặc biệt trong những dịp Tết đến,Xuân về.
Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, nhưng do thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày cành tinh vi… đã gây thiệt hại không chỉ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả trên địa bàn TP Đà Nẵng không có nhiều vụ việc phức tạp, nhưng số lượng lại có chiều hướng tăng lên.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng gia tăng khoảng 23,5% so với năm trước.
Năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7.751 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… tăng gần 15% so với năm 2013. Qua đó, đã thu phạt 164 tỷ đồng, tịch thu 12kg vàng, 14 xe ô tô, rượu ngoại, thuốc lá cùng nhiều tang vật khác.
Trong nhóm hàng được dán tem bảo vệ như điện tử, điện lạnh, mũ bảo hiểm, rượu, mỹ phẩm…, các đơn vị liên ngành đi kiểm tra vẫn phát hiện hàng dù đã được dán tem vẫn là hàng giả.
Trong công tác phối hợp liên ngành, quản lý thị trường đã phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng gần 1.200 lượt xe, qua đó, phát hiện 533 phương tiện có hàng hóa vi phạm, chiếm 46,2% tổng số lượt xe dừng.
Mở nhiều đợt cao điểm thanh tra, kiểm soát thị trường hàng hóa
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của bà con sẽ tiếp tục tăng cao cho đến hết Tết Nguyên đán. Lợi dụng chính sách mở cửa lưu thông hàng hóa, việc buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái… chắc chắn sẽ diễn ra nhiều hơn với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Các cơ quan chức năng Đà Nẵng kêu gọi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ mình, tuyệt đối “nói không” với hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng.
Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ mở nhiều đợt cao điểm thanh tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, đặc biệt chú trọng thanh kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tiểu thương, doanh nghiệp niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước; bảo vệ tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo Đại tá Lâm Cao Luynh, Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng, thủ đoạn của các đối tượng gian lận thương mại buôn lậu hàng giả ngày càng tinh vi, khả năng đối phó cao. Tỷ lệ xe bị phát hiện vi phạm thương mại chỉ chiếm chưa tới 1/2 số lượng xe lực lượng chức năng yêu cầu dừng kiểm tra.
Lực lượng chức năng cần tăng cường nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách để phát hiện tận nơi, phá tận gốc nơi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chứ không nên dừng lại ở việc tăng cường kiểm soát vận chuyển.
Đối với việc tạm dừng kiểm tra xe, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh nghiệp vụ, giúp tỷ lệ xe vi phạm khi tạm dừng phải lên đến 70-80%, góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu cho chủ phương tiện.
Điều khó của lực lượng chức năng là tình trạng xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Vì thế, việc đẩy mạnh chế tài đối với các trường hợp gian lận thương mại, ban hành khung xử lý hình sự cho nhiều vụ việc nghiêm trọng sẽ góp phần minh bạch được thị trường hàng hóa hiện nay.
Công tác chấn chỉnh lực lượng chuyên trách sẽ được đặc biệt chú trọng. Đà Nẵng kiên quyết xử lý ngay các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.