Toàn cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi những thông tin để thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong thời gian tới. Về phía TP. Đà Nẵng, với đặc thù là địa phương “nhập khẩu”, để đảm bảo kiểm soát được chất lượng đầu vào phục vụ cho người dân và khách du lịch, TP. Đà Nẵng đã có Quyết định số 35/2016 quy định các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các sản phẩm “nhập khẩu” vào thành phố này.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tại hội nghị, nhất là các nhà cung cấp sản phẩm từ các địa phương khác đề nghị TP. Đà Nẵng bổ sung phụ lục cụ thể các sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm đính kèm, đồng thời, công bố thông tin rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất có cơ hội rộng mở hơn trong việc xâm nhập thị trường Đà Nẵng. Các đại biểu cũng thống nhất khó khăn hiện nay của TP. Đà Nẵng đó là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Đà Nẵng là thị trường tiềm năng và rất quan trọng để các địa phương hợp tác phát triển chuỗi cung ứng. Sau TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng được lựa chọn để Bộ hỗ trợ phối hợp triển khai có hiệu quả chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Việc phối hợp ở đây không phải là làm thay mọi việc cho TP. Đà Nẵng, mà sẽ là cơ quan kết nối giữa Đà Nẵng với các địa phương khác; đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật và cùng Đà Nẵng tiếp thu chỉnh sửa các văn bản liên quan đến ATTP để thực hiện chuỗi cung ứng thuận lợi nhất.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, giữa TP. Đà Nẵng và các địa phương cung ứng (hoặc có nhu cầu cung ứng) thực phẩm cần thống nhất về các tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận, lấy mẫu để việc thực hiện được đồng nhất. Bên cạnh đó, tăng cường ký kết với các địa phương, xác định các chuỗi tiêu thụ, vùng sản xuất an toàn. Ngoài ra, TP. Đà Nẵng tạo điều kiện cho các địa phương, các đầu mối tiếp xúc với thị trường Đà Nẵng cũng như thường xuyên hơn trong việc kết nối, giới thiệu chuỗi cung ứng đến với người dân. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng lưu ý về chất lượng đầu vào, bên cạnh các cơ sở có chứng nhận VietGap; một số chuỗi thực phẩm có quy trình chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra của doanh nghiệp, tập đoàn (đơn vị có quy trình giám sát) cũng sẽ được chấp nhận.
Với dân số hiện tại là hơn 1 triệu người cùng hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, lượng thực phẩm và yêu cầu về ATVSTP đối với TP. Đà Nẵng là nhu cầu hiện hữu và cấp thiết. Tuy nhiên, năng lực của các đơn vị cung cấp thực phẩm trên địa bàn thành phố mới chỉ cung cấp được 10% nhu cầu. 90% còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Hiện tại, TP. Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với 3 tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Quảng Nam trong việc thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Riêng đối với các loại rau - củ - quả, hiện có 70 sản phẩm khác nhau đến từ 11 tỉnh thành trong cả nước cung ứng.
Để phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong thời gian tới, thành phố tiếp tục làm việc và kí kết hợp tác cung ứng với Bình Định về chuỗi thịt heo, Gia Lai về rau và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ 2-3 cửa hàng; tiếp tục tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn; tổ chức hội chợ cung ứng hàng nông sản thực phẩm an toàn.