Sau “sốt giá”, bất động sản Đà Nẵng “ngủ đông”
CBRE Việt Nam vừa công bố tiêu điểm thị trường bất động sản Đà Nẵng những tháng đầu năm 2019. Trong đó, ngoại trừ thị trường khách sạn, các phân khúc còn lại gồm bất động sản nghỉ dưỡng (căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) và biệt thự nghỉ dưỡng), thị trường căn hộ bán, thị trường văn phòng đều trầm lắng.
Bất động sản Đà Nẵng "chững lại" và được dự báo sẽ tiếp tục trầm lắng |
6 tháng đầu năm 2019, thị trường condotel Đà Nẵng đã đón nhận thêm 216 căn hộ du lịch, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên 8.393 căn. Tuy nhiên, những căn hộ này không đến từ dự án mới mà đến từ đợt chào bán tiếp theo của dự án Danang Golden Bay.
Do vướng mắc về pháp lý, giao dịch condotel chững lại, điều này cũng cho thấy sự cẩn trọng từ chủ đầu tư khi giới thiệu sản phẩm mới cũng như tâm lý thận trọng của người mua. “Tình trạng giao dịch cầm chừng tại thị trường này có khả năng sẽ tiếp diễn cho tới khi có những chỉ thị cụ thể và rõ ràng hơn của chính quyền về tính pháp lý của những dự án tương tự tại Đà Nẵng”, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao, Phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE cho hay.
Tương tự condotel, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng chỉ có 1 dự án được chào bán với 44 căn biệt thự, đưa nguồn cung của phân khúc này lên 16 dự án với 815 căn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Giá chào bán cho các dự án hầu như không có sự thay đổi từ cuối năm 2018 đến nay.
Ở thị trường căn hộ bán, dù không có thêm nguồn cung căn hộ nào được chào bán trong khoảng từ tháng 6/2018 đến cuối tháng 6/2019 (tổng nguồn cung lũy kế ghi nhận là 5.031 căn từ 16 dự án), tuy nhiên, trong bối cảnh pháp lý cho sản phẩm condotel còn chưa rõ ràng, các dự án căn hộ sắp ra mắt ở Đà Nẵng đang nhận được khá nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường do ưu điểm như quyền sử dụng lâu dài, quyền nhập hộ khẩu trong khi người mua vẫn có thể tận hưởng các chính sách cam kết cho thuê từ một số chủ đầu tư.
Thị trường văn phòng tại Đà Nẵng cũng khá ảm đạm khi chỉ chào đón 1 tòa nhà hạng B, không có nguồn cung mới hạng A. Giá cho thuê văn phòng phân khúc hạng A không đổi, hạng B có tăng nhẹ (7,4%) so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ghi nhận của CBRE, nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng với diện tích lớn ở Đà Nẵng hiện chủ yếu đến từ các ngành IT, ngân hàng, bảo hiểm, không gian làm việc linh hoạt.
Thị trường khách sạn – “điểm sáng” duy nhất
Nhờ hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, lượng khách du lịch – nguồn cầu, đến với TP. Đà Nẵng liên tục tăng và ổn định đã giúp nguồn cung – thị trường khách sạn hoạt động tương đối tốt trong 6 tháng đầu năm 2019. Đây cũng là điểm sáng duy nhất của thị trường bất động sản Đà Nẵng những tháng đầu năm 2019.
Nhiều đường bay quốc tế trực tiếp là lợi thế thu hút khách du lịch của Đà Nẵng, tạo nguồn cầu ổn định cho thị trường khách sạn |
6 tháng, Đà Nẵng đón nhận thêm 548 phòng khách sạn 4 sao, tăng 15% so với cùng kỳ, đa số tọa lạc dọc bờ biển Mỹ Khê; có 1 khách sạn 5 sao được nâng cấp, hoàn thiện.
Các cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng đã phục vụ ước đạt 2,72 triệu lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách quốc tế đạt 1,76 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Ngày lưu trú bình quân khách quốc tế ước đạt 2,7 ngày, khách nội địa ước đạt 2,5 ngày.
Giá phòng bình quân (ADR) của khối 4-5 sao ghi nhận mức giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi công suất phòng giảm nhẹ 2,4 điểm phần trăm (đpt) so với cùng kỳ năm 2018. Sự tụt giảm này được CBRE lý giải là do sự gia tăng mạnh nguồn cung ở phân khúc 4 sao nên có sự cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Trọng Thức, trong những tháng cuối năm 2019, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ đón thêm nhiều sản phẩm hoàn thiện.
Ở phân khúc thị trường khách sạn, dự kiến sẽ có thêm 3 khách sạn 4 sao đi vào hoạt động. Ngoài ra, có 2 dự án khách sạn lớn dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020 với tổng nguồn cung lên đến hơn 2.000 phòng.
Nguồn cung lớn, tuy nhiên, CBRE cho rằng, các chủ đầu tư vẫn lạc quan vào đầu tư vì dư địa phục vụ khách du lịch tại TP. Đà Nẵng còn nhiều. Nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đã và dự kiến sẽ được đưa vào khai thác, giúp tăng cường tính kết nối giữa Đà Nẵng với các thị trường khách quốc tế, củng cố nguồn cầu cho thị trường khách sạn.
Các phân khúc khác cũng sẽ có sản phẩm mới gia nhập thị trường. CBRE nhận định, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ còn trầm lắng, giao dịch chậm. Tuy nhiên, đối với một số dự án đã xây dựng được hệ thống phân phối, tiếp thị ổn định và đã có tên tuổi trên thị trường thì tình hình sẽ khả quan hơn nhiều. Đây là lúc yếu tố đầu tư bài bản, tên tuổi, uy tín chủ đầu tư… phát huy giá trị và quyết định đến tỷ lệ hấp thụ thành công của dự án.