Cơ hội nào cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam? Lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn: Cơ hội tỷ USD cho Việt Nam |
Cơ hội thu hút đầu tư FDI Hoa Kỳ
Theo ông Lê Trường Kỹ - Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng Dinco, với việc Việt Nam – Hoa Kỳ đã nâng quan hệ hợp tác lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ Hoa Kỳ. TP. Đà Nẵng đang đứng trước “cơ hội vàng” thu hút các dự án đầu tư FDI của Hoa Kỳ khi có nền tảng chủ trương chính sách tốt, môi trường đầu tư cũng như có thế hệ lãnh đạo nhiệt huyết. Tuy nhiên, vướng mắc của thành phố hiện nay đó là thiếu quỹ đất cho sản xuất. “Thành phố cần sớm có các khu công nghiệp mới để giải quyết vấn đề đất sản xuất khi thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thu hút các dự án đầu tư đến từ Hoa Kỳ”, ông Kỹ nói.
Ông Christopher Allan Vanllon, Chủ tịch AmCham Đà Nẵng cho biết, nhiều công ty về công nghệ của Hoa Kỳ đang quan tâm đến Việt Nam như một điểm đến mới để mở rộng sản xuất, đầu tư |
Ông Christopher Allan Vanllon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - Chi hội Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) cho biết, tháng 10/2022, dưới sự chứng kiến của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Marc Knapper, AmCham Đà Nẵng và Hội doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng đã kí kết ghi nhớ hợp tác. Trong đó, có nội dung liên quan đến mạng lưới kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Đà Nẵng với các tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư trực tiếp, đặc biệt trong chuỗi cung ứng.
Ông Christopher Allan Vanllon cho biết, AmCham đã làm việc với chính quyền TP. Đà Nẵng cũng như các địa phương Trung Bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Với việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện; và chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ ngành đến Hoa Kỳ cũng sẽ củng cố, cải thiện thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia. Hoa Kỳ cũng đang xem xét giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng như mở rộng danh mục hàng hóa có thể nhập khẩu. “Nhiều công ty công nghệ của Hoa Kỳ cũng đang rất quan tâm đến Việt Nam và xem Việt Nam là một mục tiêu để mở rộng, di chuyển các họat động kinh doanh của họ trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Christopher Allan Vanllon thông tin và cho biết AmCham sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam, đặc biệt là TP. Đà Nẵng để tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại thành phố.
TP. Đà Nẵng đang nỗ lực để gỡ vướng tại khu công viên phần mềm số 2, sớm đưa dự án này đi vào hoạt động |
Chíp bán dẫn sẽ là hướng đột phá trong kinh tế thành phố Đà Nẵng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh, thành phố hiện có 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao. Riêng các khu công nghiệp hiện tỷ lệ lấp đầy đã đạt khoảng 90%. Tỷ lệ đất còn trống phục vụ sản xuất công nghiệp còn ít dẫn đến việc thu hút đầu tư gặp khó khăn.
Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai các khu công nghiệp mới và đưa các khu, cụm công nghiệp này sớm đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp. Trước mắt là khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2) đang lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng; sau đó đến khu công nghiệp Hòa Nhơn. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có cụm công nghiệp Cẩm Lệ, khu công nghiệp phụ trợ khu công nghệ cao 50 ha nằm cạnh khu công nghệ cao…. "Về vướng mắc của khu công viên phần mềm số 2 (vướng Luật về quản lý, sử dụng tài sản công), hiện thành phố đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và đang ở những bước cuối cùng, hi vọng sẽ sớm trình được Chính phủ ban hành Nghị định cho phép đưa Công viên phần mềm số 2 thành khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, sớm đưa vào hoạt động", ông Hồ Kỳ Minh cho hay.
Chíp bán dẫn sẽ là hướng đột phá trong phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng (ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng xác định 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trong đó, công nghệ thông tin, đặc biệt là chíp bán dẫn là lĩnh vực đặc biệt ưu tiên. Đây cũng sẽ là hướng đột phá của thành phố trong thời gian tới và thành phố đang xúc tiến các hoạt động gặp gỡ với các đơn vị, tập đoàn về phát triển chíp bán dẫn.
Để đón đầu cơ hội đầu tư và phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo cũng như thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Hiện nguồn nhân lực về chíp bán dẫn ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, ngoài các doanh nghiệp công nghệ thông tin, còn có các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chíp bán dẫn. "Dự kiến ngày 10/10 tới, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực về chíp bán dẫn. Hội thảo sẽ xoay quanh vấn đề làm sao phát triển và thu hút nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và thế giới đến Đà Nẵng để làm việc và sinh sống", Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin.