PVN, PV GAS trao tặng thiết bị y tế cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Đại học Y Hà Nội phối hợp với viện bảo tàng Mỹ tổ chức triển lãm “Dịch bệnh bùng phát” |
Theo đó, các ngành Răng – Hàm – Mặt và khối ngành Y Dược của Trường Đại học Y Hà Nội gồm: Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng sẽ có mức học phí là 2,45 triệu/tháng.
Khối ngành Sức khỏe gồm: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng sẽ có học phí là 1,85 triệu/ tháng; ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu/ tháng.
Như vậy, so với năm học trước, mức học phí của một số ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội đã tăng lên khoảng 71,3%.
PGS TS Lê Đình Tùng, trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Y Hà Nội) cho biết, năm nay, trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, do vậy, mức học phí của sinh viên vẫn thu theo quy định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc các trường đại học tăng học phí ra tác động không nhỏ đến các em sinh viên |
Tuy nhiên, mức học phí mới được xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý và các chính sách miễn giảm học phí với các trường phổ thông, đại học.
Tại Nghị định, mức trần học phí (năm học 2022-2023) trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên là 1,85 triệu đồng/tháng (với khối ngành Sức khỏe) và 2,45 triệu đồng/tháng (khối Y Dược). Đây cũng là mức thu mà trường Đại học Y Hà Nội áp dụng trong năm tới.
“Do vậy, mức thu của Trường Đại học Y Hà Nội là hoàn toàn hợp lý, theo đúng lộ trình tăng học phí của Chính phủ”, vị này nói. Đồng thời cho biết, thời gian tới, trường sẽ tiếp tục kêu gọi hỗ trợ, các nguồn học bổng để giúp đỡ sinh viên khó khăn trong bối cảnh học phí tăng.
Năm học 2022 – 2023, khối ngành Y Dược là ngành có mức học phí tăng mạnh nhất trong các khối ngành đào tạo. Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành Nghệ thuật) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%.
Trong năm ngoái, một số trường Y cũng đã điều chỉnh mức tăng học phí lên trên 70%, như Trường ĐH Y Dược Thái Bình, tăng từ 29 - 71% so với năm học trước. Hay học phí Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cũng tăng 4,2-10,2 triệu đồng/năm tùy ngành, tương đương 29 - 71%.
Chia sẻ về việc nhiều trường đại học công lập sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so với năm 2021, điều này tác động như thế nào tới người học, GS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi các trường thực hiện tự chủ thì sẽ không hưởng ngân sách Nhà nước nữa, điều này khiến các trường buộc phải tăng học phí. Tuy vậy, trong thực tế cũng tăng chưa đủ để bù lại phần hao hụt này.
Về nguyên tắc, khi tăng học phí, thứ nhất các trường cần trang trải hoạt động để tồn tại và phát triển, thứ 2 nhằm mục tiêu nâng chất lượng đầu ra. Đặc biệt là ở các trường công khi không có lợi nhuận thì mục đích nâng cao chất lượng càng rõ ràng để cải tiến phương pháp giảng dạy, chất lượng giảng viên, tăng hoạt động ngoại khoá… nâng chuẩn đầu ra.
Tuy nhiên, ở góc khác thì điều này cũng sinh ra mặt tiêu cực là tạo thêm gánh nặng đối với những em có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, giải pháp hiện nay là các trường cần đưa ra chính sách học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay chia ra nhiều kỳ học để dễ đóng. Ngoài ra, cũng đẩy mạnh chính sách tín dụng để giảm áp lực cho các em.
Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Hành lang pháp lý của việc tăng học phí này là Nghị định 81 của Chính phủ. Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục Đại học công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). |