Lạng Sơn: Phát triển mạnh hạ tầng thương mại biên giới Điện Biên: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng thương mại biên giới, thúc đẩy xuất nhập khẩu |
Để tìm hiểu rõ hơn về đề án phát triển hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh Đắk Nông, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Quỳnh Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông.
Bà Dương Thị Quỳnh Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông |
Thưa bà, hoạt động thương mại biên giới đóng góp như thế nào trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông?
Tỉnh Đắk Nông là một trong 10 tỉnh thuộc khu vực biên giới của Việt Nam giáp với Campuchia; có 7 xã biên giới gồm: Xã Đăk Wil- huyện Cư Jút, xã Đăk Lao, Thuận An- huyện Đăk Mil, xã Thuận Hạnh, Thuận Hà- huyện Đăk Song và xã Đăk Búk So, Quảng Trực - huyện Tuy Đức, có chung 141 km đường biên giới với tỉnh Mondulkiri (Campuchia).
Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 cửa khẩu biên giới (cửa khẩu Bu Prăng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và cửa khẩu Đắk Per tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil); có 4 chợ (chợ xã Thuận An, huyện Đắk Mil; chợ xã Đắk Wil, huyện Cư Jút; chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức), để đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa với tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia và các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển (Việt Nam - Lào - Campuchia).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từng năm như sau: Năm 2020: xuất khẩu đạt 1,8 triệu USD, nhập khẩu đạt 2,8 triệu USD; năm 2021: xuất khẩu đạt 1,8 triệu USD, nhập khẩu đạt 2,79 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2022: xuất khẩu đạt 1 triệu USD, nhập khẩu đạt 685 ngàn USD.
Vì hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và tỉnh Mondulkiri - Campuchia còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại qua các cặp cửa khẩu biên giới chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, do đó quan hệ thương mại biên giới giữa hai bên có nhiều hạn chế, chậm phát triển. Hoạt động đầu tư phát triển ngành Công thương ở mức khiêm tốn và giao thương chủ yếu là hàng hoá tiêu dùng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch xây), sắn tươi, khô, dăm gỗ nguyên liệu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Trong thời gian qua, mặc dù chính quyền tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực kêu gọi phát triển hệ thống hạ tầng thương mại khu vực biên giới nhưng do dung lượng thị trường giữa hai tỉnh nhỏ, mật độ dân cư vùng biên giới phân bố không tập trung, đời sống của nhân dân vùng biên giới của hai tỉnh còn khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại khu vực biên giới gặp rất nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thưa bà, vậy tỉnh Đắk Nông hiện đã và đang thực hiện những chính sách phát triển hạ tầng thương mại miền núi vùng sâu, biên giới nào?
Về chính sách phát triển hạ tầng thương mại ở tỉnh Đắk Nông, hiện, đã có Nghị Quyết số 06/2018/NQ- HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về ban hành quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Nghị Quyết số 42/2019/NQ- HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân sửa đổi bổ sung một số điều của quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông ban hành kèm theo Nghị Quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông. Những nghị quyết này đã quy định cụ thể những danh mục, những mức hỗ trợ.
Còn đối với thương mại các huyện miền núi vùng sâu, biên giới của tỉnh, Đắk Nông cũng rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại như là việc thu hút những nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư và nâng cấp hạ tầng thương mại khu vực vùng sâu vùng xa. Cùng với đó, những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa được tỉnh rất quan tâm. Tuy nhiên, đây là khu vực khó khăn với việc dân cư thưa thớt, trình độ dân trí chưa cao nên chưa thể nào đáp ứng điều kiện.
Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 25/01/2021 triển khai thực hiện “Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia của tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông đặt ra nhiều nội dung để phát triển hạ tầng thương mại biên giới, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Đắk Nông đặt ra nhiệm vụ gì nhằm phát triển hạ tầng thương mại biên giới, thưa bà?
Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 384/KH-UBND ngày 31/5/2021 về phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung thực hiện 08 nội dung để phát triển hạ tầng thương mại biên giới bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; Thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Kết nối, hợp tác phát triển thương mại biên giới với tỉnh Mondulkiri, Campuchia; Phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý hạ tầng thương mại biên giới; Tuyên truyền, quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới và Xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển hạ tầng thương mại biên giới.
Xin cảm ơn bà!