Ngày 3/5, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 4/2024 của tỉnh Đắk Nông, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã thông tin tình hình hạn hán, dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng và thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và dự báo tiếp tục tình trạng thiếu nước trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Trưởng Ban tuyên giao Tỉnh uỷ Đắk Nông phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí tháng 4/2024. (Ảnh: Lê Sơn) |
Ông Lê Quang Dần cho biết, mặc dù thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện những trận mưa, tuy nhiên, hiện nay có khoảng 11.470,5ha cây trồng các loại đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tưới gây giảm năng xuất và khoảng 600 hộ dân đang bị thiếu nước phục vụ sinh hoạt.
Mực nước tại hồ chứa tụt giảm sâu. (Ảnh: CTV) |
Theo thống kê, tình hình hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng tại địa bàn các huyện: Krông Nô 4.780ha, huyện Cư Jút 774,5ha, huyện Đắk Mil 1.496ha, huyện Đắk R’lấp 2.795ha, huyện Tuy Đức 1.320ha, huyện Đắk Song 05ha lúa nước và TP. Gia Nghĩa 300ha. Trong đó, chủ yếu diện tích cây công nghiệp dài ngày (cà phê, tiêu, cây ăn quả) bị ảnh hưởng, giảm năng xuất khoảng 30%.
Nước các suối tại Đắk Nông đã cạn kiệt. (Ảnh: CTV) |
Đối với việc thiếu nước phục vụ sinh hoạt của 600 hộ dân, chủ yếu xảy ra tại địa bàn huyện Krông Nô có khoảng 350 hộ dân ở thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân và Bon Đắk Pri, Nâm Giao, xã Nâm N’Đir, thiếu nước sinh hoạt do chưa có công trình nước sạch và công trình hư hỏng xuống cấp, đồng thời nguồn nước ngầm tụt giảm, nguồn nước ở các giếng đào phần lớn đã cạn kiệt, nguồn nước giếng khoan đã tụt giảm mạnh.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến nửa đầu tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra. Trong thời gian tới nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa nhiều trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực với diện tích khoảng 30.854ha cây trồng các loại.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có tổng số 307 công trình thủy lợi; trong đó, có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, 08 hệ thống kênh tiêu, 10 hệ thống trạm bơm và 02 công trình thủy lợi khác. Tổng dung tích thiết kế cho 255 công trình hồ chứa khoảng 172 triệu m3 nước; đến nay, tổng dung tích nước tại các hồ, đập là 63,14 triệu/m3 nước, ước đạt khoảng 40,74% (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 22,39%) dung tích thiết kế.
Đến thời điểm hiện tại có 34 công trình thủy lợi đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Mực nước và lưu lượng trên các sông suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm, đặc biệt nguồn nước tại nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bị cạn kiệt. Cũng tương tự, nguồn nước ao hồ nhỏ và mực nước ngầm dự báo cũng tiếp tục dao động theo xu thế giảm, nhiều ao hồ nhỏ hiện đã cạn kiệt nguồn nước; mực nước ngầm tụt giảm nhanh, một số giếng khoan, giếng phục phụ sinh hoạt và sản xuất đã xuống thấp và một số đã cạn kiệt, không đủ nước bơn tưới cho cây trồng.
Về nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại một số công trình lấy nguồn nước mặt từ các hồ chứa hiện không đảm bảo phục vụ do mực nước hồ hạ thấp; đối với công trình lấy nước từ giếng khoan hiện bị thiếu hụt nguồn nước ngầm dẫn đến không đủ nguồn nước đầu vào để xử lý cấp nước phục vụ.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để khắc phục tình trạng hạn hán, giải pháp trước mắt là tiếp tục tuyên truyền, đến người dân về tình hình, diễn biến thời tiết, có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước; đồng thời hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn.
Cùng với đó, giải pháp lâu dài là đầu tư nâng cao dung tích các hồ chứa hiện trạng và thực hiện đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi, đặc biệt tại các khu vực thường xuyên thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, thực hiện giải pháp trồng rừng và bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn,...