Đảm bảo minh bạch, công bằng khi chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip
Mới đây, CHT và NAPAS đã phối hợp ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm rủi ro đối với giao dịch giả mạo (Quy định chuyển đổi trách nhiệm).
Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 nhằm bảo vệ quyền lợi của các ngân hàng, tổ chức tài chính đã thực hiện nâng cấp và chuyển đổi đáp ứng Bộ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thẻ chip nội địa đồng thời thúc đẩy chuyển đổi thẻ/thiết bị chấp nhận thẻ.
Thẻ từ với công nghệ bảo mật thấp, dễ bị kẻ gian giả mạo, lấy cắp thông tin để thực hiện các giao dịch gian lận giả mạo; việc không đồng bộ chuyển đổi thẻ chip và nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ chip có thể dẫn đến việc các giao dịch thanh toán được thực hiện bằng thẻ từ và phát sinh rủi ro của các giao dịch thẻ giả mạo.
Về nguyên tắc, Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) khi cấp phép thực hiện giao dịch sẽ chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp phát sinh rủi ro của các giao dịch thẻ giả mạo. Chuyển đổi trách nhiệm là việc khi phát sinh giao dịch giả mạo liên quan đến thẻ, TCPHT chuyển rủi ro sang Tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) trong trường hợp TCTTT chưa thực hiện nâng cấp, chuyển đổi các thiết bị chấp nhận thẻ chip.
Theo số liệu từ các ngân hàng, tính đến hết quý III/2021, trên toàn thị trường, tỷ lệ chuyển đổi của thẻ chip nội địa đạt khoảng 25% |
Căn cứ tình hình thực tế nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của thiết bị chấp nhận thẻ (ATM/POS) và chuyển đổi thẻ chip nội địa trên thị trường cũng như thông lệ quốc tế và các nước trong khu vực ASEAN, Chi hội thẻ và NAPAS ban hành Quy định chuyển đổi trách nhiệm nhằm quy định nguyên tắc chung về trách nhiệm đối với tổn thất phát sinh của giao dịch thẻ giả mạo thuộc về TCPHT, TCTTT chưa thực hiện chuyển đổi hoặc xử lý giao dịch không tuân theo Bộ TCCS về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Quy định được áp dụng cho tất cả TCPHT, TCTTT và bao gồm cả thẻ chip có giải từ (thẻ lai) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về việc chuyển đổi trách nhiệm.
Theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đến thời hạn 31/12/2021, 100% thiết bị chấp nhận thẻ (ATM/POS) đang hoạt động tại Việt Nam và 100% thẻ thanh toán đang lưu hành phải tuân thủ Bộ TCCS về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Theo số liệu từ các ngân hàng, tính đến hết quý III/2021, trên toàn thị trường, tỷ lệ chuyển đổi của thẻ chip nội địa đạt khoảng 25% và tỷ lệ chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ chip (ATM/POS) đạt khoảng 90%. Do đó, quy định chuyển đổi trách nhiệm kịp thời được ban hành nhằm bảo vệ lợi ích của các ngân hàng, các tổ chức tài chính đã thực hiện chuyển đổi đáp ứng Bộ TCCS về thẻ chip nội địa, đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các ngân hàng diễn ra nhanh hơn.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh NAPAS - cho biết: “Trên cơ sở đồng thuận của các ngân hàng và tổ chức thành viên, Chi hội thẻ và NAPAS đã ban hành Bộ quy định chuyển đổi trách nhiệm nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo quy định tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng thẻ. Với vai trò là đơn vị chuyển mạch, NAPAS có trách nhiệm vận hành hệ thống chuyển mạch hoạt động liên tục, thông suốt và phát triển hạ tầng thanh toán thẻ đa dịch vụ, đồng bộ và an toàn”.
Hiện tại, 43 TCTV đã sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật chấp nhận và phát hành thẻ tuân thủ Bộ TCCS về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước ban hành, trong đó 7 ngân hàng đầu tiên đã hoàn thành 100% công tác chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là MB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered, Hongleongbank, IBK Hồ Chí Minh, IBK Hà Nội.