Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế trong đại dịch Covid-19
Tại Công văn số 2259/BHXH-CSYT ngày 29/7 gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh); BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân, BHXH Việt Nam đã có chỉ đạo và hướng dẫn về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT giai đoạn dịch Covid-19.
Thứ nhất, chủ động, khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và thống nhất với các cơ sở sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hợp đồng KCB BHYT phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19 tại mỗi địa phương, đơn vị để tổ chức tốt công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19.
Đồng thời lưu ý hoạt động thanh toán chi phí KCB tại một số cơ sở y tế đặc thù như sau: Đối với cơ sở KCB chuyển đổi công năng để điều trị người bệnh mắc Covid-19: BHXH tỉnh thanh toán theo quy định về chế độ BHYT đối với chi phí để khám và điều trị bệnh nền, bệnh phát sinh; không bao gồm các chi phí để KCB Covid-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2). Đối với bệnh viện (BV) dã chiến mới thành lập: Tổ chức ký hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB được giao quản lý BV dã chiến để KCB tại BV dã chiến. Thống nhất với Sở Y tế để xác định tạm thời hạng BV và thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT như đối với BV chuyển đổi công năng. Thống nhất với cơ sở KCB được giao quản lý BV dã chiến về danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế (VTYT), danh sách nhân viên y tế hành nghề tại BV dã chiến, kể cả đội ngũ nhân viên y tế được hỗ trợ, tăng cường từ nơi khác đến; xác định số giường thực tế theo các khoa, phòng điều trị để cơ quan BHXH làm căn cứ thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định.
BHXH Việt Nam chỉ đạo tạo điều kiên thuận lợi nhất cho người dân trong KCB BHYT |
Thứ hai, phối hợp với các cơ sở KCB BHYT đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi KCB cho người tham gia BHYT theo đúng quy định của Luật BHYT và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Đặc biệt, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, tuyệt đối không để người bệnh phải tự chi trả chi phí KCB thuộc phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định trong quá trình KCB tại cơ sở y tế, cụ thể: Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, BHXH tỉnh thông báo và hướng dẫn để người bệnh BHYT được KCB tại cơ sở KCB thuận lợi nhất trên địa bàn, không phân biệt nơi đăng ký KCB ban đầu, được hưởng quyền lợi KCB BHYT như các trường hợp KCB đúng tuyến; phối hợp với cơ sở KCB thực hiện chuyển tuyến người bệnh theo yêu cầu chuyên môn và khả năng tiếp nhận của tuyến trên.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam yêu cầu, người bệnh BHYT được làm các xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và được quỹ BHYT hoặc ngân sách nhà nước chi trả theo quy định. Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, basedow, ung thư đang được quản lý điều trị tại BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh thì căn cứ danh sách người bệnh được Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến cập nhật, thông báo trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB tổ chức quản lý khám, cấp thuốc tại các cơ sở tuyến dưới đủ năng lực.
Có thể nói, trong lúc dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát thực tế triển khai chính sách BHYT tại các địa phương, nêu cao quyết tâm chính trị của toàn ngành trong công tác chung tay cùng các cấp, các ngành phòng, chống dịch Covid-19, chủ động đưa ra các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, kịp thời, nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB BHYT, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT và phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19 tại mỗi địa phương.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cùng với hỗ trợ triển khai chính sách BHYT, ngành BHXH cũng đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt trong công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 25/7, toàn ngành đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN cho NLĐ và NSDLĐ. Trong đó, đã hoàn thành việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN và gửi thông báo cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 khoảng 4.322 tỷ đồng. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 52 đơn vị, tương ứng 3.937 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 31,65 tỷ đồng tại 13 tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã xác nhận danh sách tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cho 107.404 lao động của 8.518 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó có 83.778 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 1.736 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 2.851 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 13.938 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động); 5.148 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).