Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ
Chương trình được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh) với hai phần lễ và hội, phác thảo rõ nét hành trình Bắc Ninh lan tỏa giá trị độc đáo của dân ca /chu-de/quan-ho-bac-ninh.topic sau 15 năm di sản được ghi danh trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới; đồng thời khắc họa đậm nét, làm nổi bật cả bề rộng lẫn chiều sâu của loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng, riêng có của Bắc Ninh - Kinh Bắc trong đời sống đương đại.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Sau phần nghi lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sum họp trúc mai” như một câu chuyện với đa dạng cung bậc cảm xúc về Dân ca Quan họ Bắc Ninh, mối kết giao thân tình giữa Dân ca Quan họ Bắc Ninh với các loại hình dân ca đặc trưng các vùng miền trong cả nước như: Ví - Giặm, nghệ thuật Đờn ca tài tử qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng quê văn hiến và cách mạng, nơi huyền sử quyện vào lịch sử, rực rỡ những lễ hội, cũng bởi thế con người nơi đây mang vẻ đẹp tài hoa, thanh lịch, với lối sống trọng nghĩa vẹn tình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh |
Đặc biệt, Dân ca Quan họ Bắc Ninh - một hình thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, thể hiện truyền thống và bản sắc văn hóa Kinh Bắc, phát triển đạt tới trình độ cao, hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca lẫn hình thức trình diễn… đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 30/9/2009. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Bắc Ninh mà là của cả nước và của cả thế giới.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vương Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tự hào nêu bật những thành tựu trong hành trình bảo tồn, phát huy, lan tỏa sâu rộng những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Sau 15 năm được vinh danh, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Nổi bật là việc ban hành cơ chế, chính sách và triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2010-2012”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020”; Quy chế xét tặng và chế độ đãi ngộ nghệ nhân; chế độ hỗ trợ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhân viên phục vụ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Đáng chú ý, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế liên quan như công trình Nhà hát Dân ca Quan họ, chòi hát trên đồi Lim, phục dựng thiết chế “nhà chứa quan họ” (nay là nhà thực thành quan họ). Đặc biệt là việc mở rộng, đa dạng hóa hoạt động truyền dạy dân ca quan họ trong cộng đồng và nhà trường…
Đến nay, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước ban hành chính sách tôn vinh, có cơ chế hỗ trợ “tiền lương” hàng tháng cho nghệ nhân với các mức: Nghệ nhân Nhân dân là 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Nghệ nhân Ưu tú 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Nghệ nhân Dân ca Quan họ được tỉnh phong tặng là 1 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, “Sau 15 năm, Bắc Ninh không những khơi dậy sức sống ở 44 làng quan họ gốc mà còn ghi nhận thêm 150 làng quan họ thực hành và phát triển được hơn 400 Câu lạc bộ quan họ với hàng vạn người tham gia sinh hoạt thường xuyên, trong đó hàng trăm người có khả năng truyền dạy. Số câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các tỉnh, thành phố và nhiều quốc gia trên thế giới cũng không ngừng gia tăng... Chứng tỏ quan họ không chỉ có sức sống mãnh liệt trên đất Bắc Ninh - Kinh Bắc mà còn lan tỏa, trở thành món ăn tinh thần thân thuộc của người Việt khắp 5 châu’’.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh Bắc Ninh cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm bằng những hành động cụ thể để góp phần đưa giá trị di sản văn hóa dân ca quan họ lên tầm cao mới, mà nòng cốt, truyền lửa chính là các nghệ nhân, nghệ sĩ, các làng quan họ, các Câu lạc bộ dân ca quan họ.
Dự và phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là tinh hoa kết tinh từ cuộc sống lao động, tình yêu và khát vọng của con người vùng Kinh Bắc. Việc UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh là minh chứng cho giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sum họp trúc mai” |
Có thể thấy, hành trình 15 năm bảo tồn và quảng bá di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh là câu chuyện đầy cảm hứng về sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Bắc Ninh đã không ngừng triển khai những hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ, lan tỏa giá trị độc đáo của nghệ thuật dân gian này. Đồng thời, khẳng định di sản dân ca quan họ đã, đang tiếp tục khẳng định sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại, trở thành cầu nối văn hóa, thu hút bạn bè quốc tế đến với vùng đất Kinh Bắc giàu bản sắc.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khen thưởng. |