Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo
“Tôi đã có hai ngày tuyệt vời ở Hà Nội, qua đó khẳng định mối quan hệ hợp tác đối tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Đan Mạch thật sự bền chặt, hiệu quả và mang lại kết quả hữu hình. Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 là một dấu mốc của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong việc mô hình hóa hệ thống năng lượng Đan Mạch cam kết củng cố và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới” - Quốc vụ khanh Morten Baek khẳng định.
Ông Morten Bæk cho rằng, Việt Nam cần sớm dừng việc xây mới các nhà máy nhiệt điện than, cần quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng để góp phần quan trọng vào giảm phát thải CO2, giảm nhập khẩu nguyên liệu, phát triển năng lượng tái tạo, khai thác những tiềm năng về năng lượng nhất là gió và mặt trời. Trong thời gian tới, Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
Theo kịch bản của Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2019, nếu dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, tổng tiêu thụ than của Việt Nam có thể giảm 221 triệu tấn vào 2050. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thể dựa vào báo cáo này để hiện thực hoá quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch.
Chi tiết hơn về vấn đề này, ông Jakob Stenby Lundsager, Cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch, cho biết Việt Nam hiện đang tiêu thụ một lượng lớn than để sản xuất nhiệt điện. Việc sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than sẽ giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng mắc kẹt với nhiệt điện than và phụ thuộc vào than nhập khẩu trong dài hạn.
Theo ông Jakob Stenby Lundsager, việc thực hiện giảm tiêu thụ than chỉ đòi hỏi tăng khoảng 2% tổng chi phí của hệ thống năng lượng vào năm 2030 và 5% vào năm 2050 nhưng lợi ích mang lại là giảm đáng kể phát thải CO2, giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than.
Tuy nhiên, nếu không có hành động nào được thực hiện, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc nặng nề vào than nhập khẩu từ năm 2030. Thêm vào đó, phát thải từ việc sử dụng than trong ngành điện sẽ làm tăng chi phí y tế cho xã hội. Vào năm 2030, chi phí y tế do ô nhiễm từ sản xuất điện ở Việt Nam ước tính khoảng 7-9 tỷ USD. Giả thiết mức làm sạch khí thải không tăng, thì chi phí ô nhiễm không khí từ ngành điện ước tính là 23 tỷ USD/năm, tương đương với hơn 2% GDP vào năm 2050. Chi phí này sẽ giảm xuống còn 7 tỷ USD nếu các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và khí tự nhiên hóa lỏng được thực thi.
Cũng theo vị chuyên gia này, điện mặt trời kết hợp với pin tích trữ điện năng sẽ là nguồn năng lượng tái tạo chính ở Việt Nam trong tương lai. Theo đó, điện mặt trời được kỳ vọng đạt công suất 14 GW vào năm 2030 và 117 GW vào năm 2050. Tỷ lệ công suất pin tích trữ điện năng là 0,5 MW cho mỗi MW công suất lắp đặt điện mặt trời sẽ là giải pháp hiệu quả nhất vào năm 2050. Mức đầu tư vào pin tích trữ điện năng này là khả thi cả về mặt kinh tế và kỹ thuật, nhưng cần có điều tra nghiên cứu để loại bỏ những rào cản thị trường.
Điện gió cũng được dự báo sẽ phát triển mạnh và có hiệu quả đầu tư cao hơn điện than. Theo tính toán chi phí cực tiểu của toàn bộ hệ thống điện, với 20 GW điện gió và điện mặt trời tại những nơi có tiềm năng tốt nhất ở Việt Nam sẽ có hiệu quả đầu tư cao hơn so với điện than vào năm 2030. Con số này sẽ tăng lên đến khoảng 90 GW vào năm 2050. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của công nghệ điện gió và điện mặt trời ngay cả khi không có trợ giá.
Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam và Đan Mạch bắt đầu được triển khai từ năm 2013. Giai đoạn hai bắt đầu từ năm 2017, hoàn thành năm 2020. Giai đoạn ba dự kiến có thời hạn 5 năm, bắt đầu vào cuối năm 2020, chú trọng vào việc triển khai xây dựng quy hoạch dài hạn ngành năng lượng, tháo bỏ rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường năng lực cho Việt Nam về tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, hỗ trợ tiết kiệm năng lượng. |