Già làng Cơlâu Năm, 78 tuổi dân tộc Cơtu thôn Pơ Ning xã Lăng huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam đang bày cách bắn ná cho lớp trẻ trong làng.
CôngThương - Nhân ngày hội lớn này, chúng tôi xin giới thiệu một số môn thi đấu thể thao truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên và đây cũng là nét đặc sắc trong văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc anh em ở nước ta.
Trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên trải dài từ Quảng Bình vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đến tận các tỉnh như: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng… nơi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống và tất cả dệt nên bức tranh toàn cảnh văn hoá đa sắc màu dân tộc. Từ đồng bào dân tộc Mạ, Êđê, M'nông, Kơ Ho, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Cor đều gìn giữ, trân trọng các môn thể thao truyền thống. Đây là các trò chơi dân gian vừa mang yếu tố thể thao ưa thích của trai gái các dân tộc mà nó còn biểu hiện sức mạnh của trai tráng và mang tinh thần thể thao, tinh thần thượng võ của các dân tộc nơi đây.
Ở Buôn Đôn tỉnh Đắc Lắc, môn thể thao luôn thu hút nhiều người nhất là đua voi. Trong ngày hội này, ngoài các trò diễn như voi đá bóng, voi nhảy múa theo điệu khèn đinh năm, voi kéo co với người... thì môn thể thao đua voi là chủ lực. Theo đồng bào, đua voi chẳng những rèn luyện sức bền cho các chú voi chiến đáp ứng việc săn voi mà còn tạo ra sự nhanh nhạy, bản lĩnh cho các dũng sĩ săn voi. Thường có hai vận động viên trên lưng voi, một người ngồi phía trước dùng chiếc dùi móc để điều khiển, một người ngồi phía sau dùng khúc gỗ nhỏ thúc vào thân giục voi chạy cho nhanh.
Ngoài thời gian làm rẫy, săn bắt, đan lát, đàn ông các dân tộc như M'nông, Xơ Đăng, Ba Na... rành việc đẽo thuyền độc mộc từ thuở lên mười. Bởi, biết đẽo thuyền là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự trưởng thành của một người đàn ông trong cộng đồng các dân tộc này. Trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày trên sông nước, những người sử dụng thuyền để đánh cá, vớt rong, chuyên chở hàng hóa cũng thường thi với nhau xem thuyền ai đi nhanh hơn, an toàn hơn. Và trong lễ hội, họ lại đóng vai vận động viên đua thuyền, biểu diễn tài nghệ bơi và chống thuyền cho dân làng xem. Đối với người M'nông sinh sống bên hồ Lak, thì môn đua thuyền độc mộc là một thú vui không thể thiếu trong ngày hội cổ truyền hàng năm.
Như chúng ta đều biết, nỏ (ná) là vũ khí lâu đời đối với các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên để đồng bào nơi đây dùng để săn thú rừng có thêm thực phẩm phục vụ cho đời sống hằng ngày, bảo vệ nương rẫy làng bản cộng đồng. Các em trai từ lúc lên 8 đến 10 tuổi đã được cha, các anh của nó dạy cách đặt tên, kéo căng cánh nỏ (ná) để tập bắn chim thú. Bắn nỏ (ná) đòi hỏi tính chính xác cao, người sử dụng phải dũng cảm, bình tĩnh trong mọi tình huống để có thể phóng mũi tên trúng mục tiêu. Ngày nay, chiếc nỏ (ná) vẫn là vũ khí bảo vệ cuộc sống bình yên, và là môn thi đấu trong các hội thi thể thao truyền thống tại bản làng và lễ hội văn hóa thể thao miền núi của các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
Năm 2010, tỉnh Quảng Nam đăng cai thi đấu môn bắn ná, bắn nỏ trong khuôn khổ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, các vận động viên dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Cor, Ve, Tà Riềng đã mang về nhiều huy chương cho tỉnh.
Thanh niên dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang và Nam Giang, Cor, Xơ Đăng hai huyện Nam Bắc Trà My và Bắc Trà My là những vận động viên đi cà kheo giỏi nhất so với một số dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Đi cà kheo là một nghệ thuật, người chơi phải thể hiện các động tác chính xác, nhịp nhàng, uyển chuyển như một điệu múa. Môn đi cà kheo chẳng những được diễn trong các vũ điệu cộng đồng mà còn sử dụng phổ biến trong thi đấu thể thao được tổ chức trong các lễ hội bản làng
Những em trai các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên ngay từ lúc còn thơ bé cũng được học múa khiên, đánh kiếm, phóng và đâm lao để có thể tham gia những cuộc săn bắn kiếm thức ăn và chiến đấu bảo vệ buôn làng. Trò múa khiên, đấu kiếm thể hiện rõ nét tinh thần thượng võ của đại bộ phận các dân tộc thiểu số nơi đây. Các chàng trai, đầu quấn khăn đỏ có cắm nhiều lông công hay lông chim trĩ, mình khoát chéo tấm thổ cẩm, tay trái cầm khiên, tay phải cầm kiếm hoặc lao. Khi có hiệu lệnh xông trận, chàng dũng sĩ làm động tác tiến lui nhịp nhàng, vừa đỡ, vừa chém.... Từ đấu khiên đơn thuần, các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đã biết sáng tạo nên những điệu múa khiên sinh động nhất. Trên nền nhạc cồng chiêng và âm thanh vang lừng của trống cái, những dũng sĩ múa khiên biểu diễn những động tác mạnh mẽ, điêu luyện.
Ngoài các môn thể thao nói trên, các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn - Tây Nguyên còn có nhiều môn thể thao khác như thi đẩy cây, thi bơi lặn... Đặc biệt, trò đẩy cây là môn khá đơn giản nhưng được thanh niên các dân tộc thiểu số rất ưa thích. Dụng cụ thi đấu là một cây gỗ dài, chắc cứng, mỗi đầu có khoảng từ 3 đến 5 thanh niên xúm nhau đẩy. Bên nào đẩy được bên kia thì thắng cuộc.
Các môn thể thao truyền thống trong các lễ hội ấy đã làm cho đời sống văn hóa của đồng bào vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thêm phong phú, thể hiện sức sống mạnh mẻ của dân làng. Đây còn là nét sinh hoạt văn hoá truyền thống đã được các dân tộc nơi đây gìn giữ và bảo tồn giúp họ vui vẻ với cuộc sống đời thường nơi núi rừng đại ngàn hung vĩ.