Sáng 30/3, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức: “Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ”.
Tọa đàm nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời kỳ mới và tạo diễn đàn kết nối giữa công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng như liên lết phát triển khoa học và công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền.
Theo Nghị quyết 43, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng sẽ phát triển trên 3 trụ cột chính gồm du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển; chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn gồm du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Bộ Chính trị cũng đã cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền.
Doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang thiếu lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng coi phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư hàng đầu nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực như những nguy cơ về sự tụt hậu, cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các địa phương và khu vực lân cận trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động trong việc phải nâng cao kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng phát triển bản thân.
Theo thống kê kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng 2018, GRDP 2018 thành phố đạt 3.129 triệu USD, dân số thành phố hiện tại là 1,2 triệu người, trong đó gần 50% là người trong độ tuổi lao động. Trong năm 2018, Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho 24.500 doanh nghiệp, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 51%. Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” của Đà Nẵng trong nhiều năm luôn năm sau cao hơn năm trước.
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực của Đà Nẵng hiện còn “nhiều vấn đề” như chất lượng nguồn nhân lực đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động mới tốt nghiệp đa số chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, doanh nghiệp và do đó doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực đào tạo lại. Sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung – cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động, chưa đưa ra được những dự báo trung hạn và ngắn hạn về thị trường lao động… Bên cạnh đó, việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo trong việc xây dựng một chương trình đào tạo thực tế và thiết thực, để học viên được thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc. Các thành tựu nghiên cứu khoa học chưa được doanh nghiệp biết đến và hệ số sử dụng, ứng dụng còn thấp.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi và tìm giải pháp cho các khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động, đề xuất các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, trao đổi các nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và kỳ vọng của doanh nghiệp vào các kỹ năng của lao động. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về việc liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp với nhà nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu vào thực tế sản xuất.
Ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty ESTEC cho rằng nguồn nhân lực hiện nay còn rất thiếu kỹ năng "mềm" |
Trong đó, nổi lên là vấn đề doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
Theo ông Takeshi Takeuchi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, hiện có 134 doanh nghiệp Nhật Bản đang có hoạt động đầu tư tại thành phố. Đà Nẵng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp hạ tầng phục vụ cho đầu tư. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. “Doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lớn về lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghiệp, tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Sự phát triển của doanh nghiệp kéo theo các cơ hội làm việc của người lao động tại doanh nghiệp tăng vì thế tính chọn lọc cũng tăng, tỷ lệ gắn bó với nơi làm việc giảm. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam hiện đang có xu hướng đi lao động tại các thị trường khác ngoài Việt Nam vì vậy việc tuyển dụng với doanh nghiệp Nhật Bản là khá khó khăn”, ông Takeshi Takeuchi nói.
Còn ông Kelvin Loebbaka – Giám đốc điều hành Công ty sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC Hòa Kỳ cho biết, đến năm 2022, UAC có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1087 kỹ sư phục vụ cho hoạt động sản xuất, và đến năm 2025 sẽ là hơn 4.000 lao động. “Lao động là một trong những yếu tố cốt lõi để tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Chúng tôi đặc biệt coi trọng đến yếu tố an toàn và phúc lợi cho người lao động để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ nguồn nhân lực, từ đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Quy trình đó tạo lên thương hiệu cho UAC và các doanh nghiệp”, ông Kelvin Loebbaka nói.
Nguồn "cầu" dồi dào, tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường ngày càng cao.
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 80 trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề. Mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 21% lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lệ, 33% lao động có trình độ kỹ thuật, 16% lao động được đạo tại qua trung cấp nghề chuyên nghiệp.
Dù nhiều cơ sở đào tạo, giáo dục nhưng theo nhiều đại biểu, chính việc đào tạo theo hình thức ngành nghề truyền thống, đào tạo theo hình thức dàn trải, bề rộng chứ chưa chú trọng vào đào tạo chuyên sâu, lý thuyết chưa gắn với thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp nên doanh nghiệp vẫn thiếu lao động trong khi sinh viên ra trường vẫn không có việc làm.
Một điểm yếu của nguồn "cung" nhân lực hiện tại đó là vô cùng thiếu các kỹ năng mềm. Theo ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC), chỉ khoảng 20% ứng viên được phỏng vấn đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhưng còn rất thiếu kỹ năng mềm. "Các kỹ năng mềm là rất cần thiết như kỹ năng giao tiếp, văn phòng, đặc biệt là thiếu kỹ năng ngoại ngữ...., điều này là rất khó khăn cho doanh nghiệp bởi trong xu thế hội nhập ngoại ngữ, các kỹ năng sử dụng phần mềm cơ bản là nền tảng để doanh nghiệp bắt kịp nhịp phát triển".