Đất Rừng Phương Nam: Nhiều “sạn” hay chỉ là bối cảnh khác nhau?
Bộ phimĐất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới được công chiếu và ra mắt báo giới từ hôm 11/10 đã ngay lập tức trở thành đề tài bình luận sôi nổi trên báo chí, mạng xã hội mấy ngày qua.
Bộ phim chỉ là những mảnh ghép rời rạc
“Đa phần thế hệ tầm 7X-9X đời đầu muốn đi xem phim này để thoả chí tò mò, và so sánh có gì hay hơn bộ phim Đất Phương Nam cũ đã ăn vào tiềm thức hay không? Sau khi xem, mình cảm nhận chung thì bộ phim cũng được đầu tư. Tuy nhiên, đánh giá chất lượng thì mình thấy phim này cũng chỉ ở mức bình thường, thậm chí là chán, không để lại ấn tượng gì”, nhà báo V.T.P viết cảm nhận trên trang cá nhân.
Phim Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới ra mắt hôm 11/10 và hiện đã công chiếu tại các rạp |
Theo nhà báo này, mặc dù đây là bộ phim đề tài “Đất rừng phương Nam”, nhưng toàn bộ nội dung lại không toát lên được khí chất, tính cách, con người, cũng như đặc điểm đời sống của người phương Nam.
Bộ phim chỉ là những mảnh ghép tương đối rời rạc, chẳng liên quan mấy đến nhau. Các diễn viên cơ bản cũng nhạt nhoà, thậm chí một số nhân vật xuất hiện chỉ cho có như: Cò, Út Trong…
Nhà báo V.T.P phân tích thêm: “Đặc biệt, từ nội dung câu chuyện truyền tải, bối cảnh, trang phục, lời thoại trong phim… lại mang đặc điểm của người Hoa chứ không phải người gốc phương Nam. Thậm chí phim này còn truyền tải đa phần về Thiên Địa Hội, Nghĩa Hoà Đoàn… Bộ phim liên tục PR, tung ra những bài hát, clip… để khơi dậy tình yêu nước, yêu mảnh đất phương Nam. Nhưng đúng kiểu PR bao nhiêu, xem phim thấy thất vọng bấy nhiêu”.
Nhân vật Bác Ba Phi chỉ thể hiện "sự láu cá của Trấn Thành"?
Nói về nhân vật Bác Ba Phi do Trấn Thành thủ vai trong Đất Rừng Phương Nam, nhà báo N.T.N hài hước: “Đây là hình ảnh làm nổi bật nhân vật Trấn Thành hay bác Ba Phi?”.
Theo nhà báo, Bác Ba Phi có thể coi là một nhân vật vừa thật lại vừa mang tính dân gian của người dân Nam Bộ. Ông xuất thân nghèo khó, đi lính cho Pháp, rồi làm thuê cho người giàu, được gả con cho... sau này chăm chỉ làm ăn có của ăn của để...
Một con người thông minh, vui nhộn, hài hước, nói xạo xạo, vui đùa với bà con thôn dã Nam Bộ... đọc truyện của ông thấy được sự sảng khoái, đơn giản của đời sống sông nước...
“Hình ảnh dưới dù quay trong một MV ca nhạc, nhưng Trấn Thành quá nổi bật với quần chúng cần lao bên cạnh, mặc chiếc áo dài trắng kiểu chưởng Tàu, tóc tai như công tử làng chơi, khuôn mặt thiếu thân thiện, ánh mắt tỏ vẻ nguy hiểm, gian lận... khiến anh ta lạc lõng trước người dân Nam Bộ cùng khổ thời đó”, nhà báo N.T.N gay gắt.
Nhân vật Bác Ba Phi do Trấn Thành thủ vai trong Đất Rừng Phương Nam gây nhiều tranh cãi từ trang phục, lối diễn |
Thậm chí, nhà báo này còn gay gắt hơn khi cho rằng: “Người như đạo diễn Quang Dũng, con nhà văn Quang Sáng chắc quá hiểu nhân vật Bác Ba Phi mà để cho Trấn Thành biến thành vóc dáng một tay chơi công tử, nổi bật, thì hình tượng vậy là thất bại. Hình ảnh này chỉ làm nổi bật sự láu cá của Trấn Thành mà thôi, còn sự vui nhộn, hài hước, sâu sắc, phóng khoáng của Nam Bộ không còn”.
Phim "Đất Rừng Phương Nam" ý đồ gì?
Đó là câu hỏi khá bất ngờ của nhà báo T.L trên trang cá nhân, thu hút sự chú ý theo dõi của nhiều người.
Nhà báo này gay gắt châm biếm gọi phim Đất Rừng Phương Nam vừa mới ra rạp là phiên bản “chế - bịa”.
“Việt Minh nào nhận vơ công của Nam Kỳ khởi nghĩa? Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra năm 1940 trước khi Việt Minh được thành lập năm 1941. Nam Kỳ khởi nghĩa do Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và lãnh đạo. Việt Minh cũng do Đảng Cộng sản Đông Dương là nòng cốt. Một bộ phim, lấy bối cảnh lịch sử của đất nước sai, lại gạt bỏ vai trò của Đảng Cộng Sản Đông Dương để lồng ghép Thiên Địa Hội vào kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ thế này mà vẫn cho công chiếu được, thì không hiểu trách nhiệm của Cục Điện Ảnh nằm ở đâu? Ý đồ của phim này so với bản gốc là gì? Cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan chức năng”, nhà báo T.L cho rằng trong phim Đất Rừng Phương Nam do Trấn Thành đầu tư có chi tiết sai lịch sử cơ bản, vì thế gọi là “bịa”, “chế”.
Bối cảnh không giống nhau, đã có sự thay đổi?
Trong khi nhiều ý kiến bày tỏ chê bai, thậm chí là tẩy chay thì Đất Rừng Phương Nam cũng nhận về rất nhiều lời khen ngợi, bảo vệ.
Tại buổi công chiếu và ra mắt báo giới hôm 11/10, nghệ sỹ Mạc Can (thủ vai Bác Ba Phi) ở bản truyền hình Đất Phương Nam cũ ngồi xe lăn đến dự giao lưu giữa dàn diễn viên của Đất phương Nam và Đất Rừng Phương Nam.
Khi được Trấn Thành hỏi rằng "Bác xem phim thấy sao?" Nghệ sỹ Mạc Can cho hay: “"Biết nói sao bây giờ! Tôi vái trời cho cái phim này đông khách. Làm phim là vậy đó, thay vì mình nói miệng phim mình hay thì hãy hỏi những người bỏ tiền mua vé xem, phải hỏi người ta, thấy mua vé đông là càng tốt". Và sau đó, "Bác Ba Phi" lớn Mạc Can cho biết thấy vui quá, xem phim thấy hay, rất được.
Nhà báo N.Q.V cũng cho rằng: “Trong nghệ thuật nói chung và rộng ra là kinh tế văn hóa (hay là công nghiệp văn hóa) có một khái niệm rất hay là tác phẩm phái sinh. Tác phẩm phái sinh có thể cải biên, chuyển thể từ tác phẩm chính mà không nhất thiết phải giữ trọn vẹn nội dung gốc. Bối cảnh truyện ngắn Đất Rừng Phương Nam là giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp (sau 1945). Bối cảnh của phim truyền hình Đất Phương Nam năm 1997 là trước. Bối cảnh phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam (2023) là vụ tấn công Khám lớn Sài Gòn (hoặc Khám Biên Hòa) của một nhóm Thiên Địa Hội năm 1916. Bối cảnh phim 1997 được quyền khác thì tại sao bối cảnh phim năm 2023 lại không được? Tôi tin rằng những người đang giữ tác quyền truyện ngắn Đất Rừng Phương Nam đã đọc kịch bản và đồng ý cho nhóm làm phim năm 2023 thay đổi bối cảnh của tác phẩm”.
Sông nước miền Tây Nam Bộ ngày nay, đoạn đã xuất hiện trong phim truyền hình Đất Phương Nam 1997. Ảnh: V.T.P |
“Về vấn đề Trấn Thành, anh ta trong bộ phim này đã làm tròn vai và "mặc vừa một chiếc áo được may đo kỹ càng". Anh ta chỉ xuất hiện trong 2 phân cảnh và thể hiện hành động như một người dân yêu nước trong thời đại đó không hơn không kém chứ không có việc đại diện nghĩa quân tuyên bố chống Pháp. Phải nói lời thoại của Trấn Thành rất hay. Cả cách anh ta kể chuyện tiếu lâm như một ông già Nam Bộ chánh hiệu, vừa vừa, không lên gân, không thâm sâu. Nói chung, người ta ghét anh ta thì người ta sẽ cố tình cắt một hình ảnh, một lát cắt trong lời thoại để dìm anh này”, nhà báo này nêu quan điểm.