Đấu giá biển số ô tô: Cần xây dựng quy định minh bạch, tránh “quân xanh - quân đỏ”
Lần đầu đấu giá biển số ô tô
Dự thảo do Bộ Công an hoàn thiện, đang lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng, từ 22/4. Trong đó, tại hai địa phương Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ có mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng cho một biển số.
Nghị quyết dự kiến thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Với nội dung bao gồm: Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Theo đó, biển số đuợc lựa chọn đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà Cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Đối tượng được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân).
Cơ quan tổ chức đấu giá là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện. Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao Công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê Tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.
Theo Bộ Công an, việc bán biển số đấu giá cho một người sẽ mang lại lợi ích cho người dân và tăng nguồn thu cho Nhà nước. |
Đáng chú ý, việc xác định giá khởi điểm được quy định cụ thể như sau:
Vùng 1 (Hà Nội và TP HCM): Giá khởi điểm = 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.
Vùng 2 (các địa phương còn lại): Giá khởi điểm = 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.
Bên cạnh đó, quyền của người trúng đấu giá là được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người); khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Đồng thời, biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá.
Biển số trúng đấu giá được Cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe (khi chưa làm thủ tục đăng ký người trúng đấu giá chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá).
Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật (xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định)…
Để người sở hữu biển số xe "tự định đoạt"
Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" tùy theo quan niệm của từng người. Trên thực tế, mỗi người sẽ lựa chọn biển số theo sở thích cá nhân như ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm chứ không nhất thiết phải là biển số đẹp, số đặc biệt. Bởi thế bán biển số đấu giá cho một người sẽ mang lại lợi ích cho người dân và tăng nguồn thu cho Nhà nước.
Bộ đề nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định về việc "bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết hạn mà chỉ có một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu".
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ủng hộ việc đấu giá biển số đưa vào triển khai "sớm nhất có thể" để đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng ngân sách Nhà nước. Cũng theo ông Quyền, nếu một người phải bỏ ra hàng tỷ đồng để mua một biển số đẹp thì hãy cho họ quyền "tự định đoạt".
Bên cạnh đó, ông Quyền cũng đề xuất, nếu việc đấu giá được triển khai cần chia biển số thành hai trường hợp để quản lý. Thứ nhất, cá nhân dùng biển trúng đấu giá sẽ được sở hữu trọn đời, không gắn cố định vào một xe. Thứ hai, biển số cấp theo hình thức "bấm ngẫu nhiên" vẫn chỉ gắn với một xe cố định như hiện nay để phục vụ quản lý nhà nước.
Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, hiện nay biển số xe là công cụ để cơ quan Nhà nước quản lý phương tiện mà không được coi là tài sản của chủ sở hữu phương tiện. Bởi thế dù trúng đấu giá nhưng các văn bản pháp luật liên quan không quy định biển số xe là tài sản sở hữu của cá nhân thì vẫn không được quyền bán, tặng cho, thừa kế.
"Việc đấu giá biển số xe sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần nghiên cứu cụ thể để mang lại lợi ích lớn hơn cho người mua, cho họ "quyền định đoạt"" - luật sư Lực nêu.
Đặc biệt, tránh lợi dụng việc đấu giá để trục lợi cá nhân, “lợi ích nhóm” hay trường hợp bỏ cọc như khi thực hiện đấu giá đất ở một số địa phương vừa rồi, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình thực hiện cần có quy định chặt chẽ, minh bạch, tránh “quân xanh - quân đỏ” trong đấu giá. Bên cạnh đó, nếu cần sẽ nâng tỷ lệ đặt cọc cao hơn so với các tài sản khác để tránh hiện tượng bỏ cọc.
Ông Hậu cũng cho rằng, trong quá trình đấu giá cần lưu ý, đầu số, chữ cái đang cấp biển ở các địa phương tới đâu thì tổ chức đấu giá biển đẹp ở đầu số và chữ cái đó, để tránh việc lộn xộn trong công tác quản lý.
Theo Bộ Công an, Bộ sẽ giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang web để tổ chức đấu giá trực tuyến. Cơ quan tổ chức đấu giá là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú. Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương. |