Đấu giá biển số ô tô: Có thể phát sinh tâm lý ăn thua, trào lưu “sính" biển số đẹp
Đó là nhận định của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, liên quan đến đề án đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an mới được trình trong thời gian gần đây, luật sư Tiền cho biết, đề án này còn đang gặp nhiều vấn đề trên cả phương diện pháp lý cũng như phương diện thực tiễn.
Vị luật sư này dẫn chứng, trong quá khứ, đề án đấu giá biển số ô tô đã được đưa ra và triển khai từ rất sớm, trong đó kế hoạch “cấp biển số xe tự chọn” hay đấu giá biển số đẹp đã được triển khai lần đầu từ năm 1993. Mục đích của việc này là để đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng ngân sách cho Nhà nước cũng như tăng tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện trong hệ thống pháp luật giao thông đường bộ cũng như pháp luật đấu giá đều chưa có các chế định cho phép hoạt động đấu giá diễn ra với đối tượng là biển số xe.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội. |
Lý giải về mặt pháp lý, luật sư Tiền đã chỉ các vấn đề cụ thể như sau: Thứ nhất, biển số chưa được coi là một loại tài sản. Theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015, tài sản bao gồm: “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản", và như vậy hiện nay biển số xe vẫn chưa được coi là một loại tài sản.
Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng xác định biển số xe là một loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, mọi hoạt động mua, bán biển số xe đều bị nghiêm cấm.
Thứ hai, Luật Đấu giá tài sản chưa ghi nhận biển số xe là đối tượng được đưa vào hoạt động đấu giá. Cụ thể, trong các quy định liên quan đến hoạt động đấu giá, Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định rõ đối tượng đưa ra đấu giá là tài sản, nếu không thì không thuộc diện được đấu giá. Như vậy, việc pháp luật quy định chỉ tài sản mới là đối tượng được đấu giá là phù hợp với mục đích, bản chất của việc đấu giá.
Thứ ba, việc đưa biển số xe trở thành tài sản đấu giá có thể dẫn đến nhiều tiêu cực không đáng có. Bản chất việc đăng ký biển số xe là hoạt động mang tính chất ngẫu nhiên, người đăng ký sẽ bấm ngẫu nhiên để lấy biển số của mình. Tính chất này nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa những người đăng ký xe và đảm bảo sự lành mạnh trong quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền cấp biển và người đăng ký. Tuy nhiên, nếu như triển khai đấu giá biển số xe có thể phát sinh những hệ luỵ xã hội như: Tâm lý ăn thua, trào lưu “sính" biển số đẹp trên thị trường,...
Bên cạnh đó, bản thân cơ quan đề xuất đấu giá biển số lại thuộc ngành công an - cơ quan có thẩm quyền cấp biển số xe. Do đó, việc cổ xúy tư duy “biển xấu, biển đẹp” bằng cách thực hiện hoạt động đấu giá đối với các biển được coi là “đẹp” có phần không đúng và không phù hợp với hình ảnh cơ quan bảo vệ pháp luật.
Hơn nữa, quy định cho phép mua bán biển số xe gây phức tạp cho công tác quản lý, truy xét chủ sở hữu phương tiện thông qua biển số xe khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi có các tranh chấp dân sự xảy ra. Chính sách mới cũng sẽ tạo ra một thị trường không lành mạnh và khó kiểm soát, bởi nó có thể làm xuất hiện nhiều giao dịch dân sự giả tạo, mua bán biển số với mức giá quá cao nhằm trốn thuế, rửa tiền hay các mục đích bất chính khác.
Cần tạo dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để tránh tiêu cực và thất thu trong quá trình đấu giá biển số xe ô tô (Ảnh minh họa) |
Từ những vấn đề trên, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, nếu Bộ Công an quyết tâm muốn thực hiện đề án cho phép mua bán, đấu giá biển số xe một cách công khai, minh bạch và lành mạnh, thì cần xem xét sửa đổi nội dung một số chế định nêu trên, tiếp cận theo hướng coi biển số xe nói chung là một loại tài sản được cơ quan nhà nước cấp cho người dân.
Sau khi được cấp phát thì biển số xe sẽ thuộc sở hữu của người đăng ký. Khi đó, việc cấp phát biển số xe sẽ là giao dịch mang tính chất dân sự giữa nhà nước và người dân, và ai cũng có thể tham gia vào việc đấu giá biển số xe. Quan trọng nhất là cần tạo dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để tránh tiêu cực và thất thu trong quá trình triển khai.
Đồng thời, trước những bất cập và vướng mắc nêu trên, Bộ Công an khi đưa ra đề án nêu trên cần hết sức thận trọng, cần đảm bảo tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các quy định về đấu giá cũng như đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tổ chức, dàn xếp phiên đấu giá, nhằm tránh các tiêu cực cũng như tạo dựng niềm tin cho người dân vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.