Theo đó, tính đến ngày 3/1, Việt Nam có thêm một tỷ phú USD mới, đó là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN). Như vậy, ngay trong đầu năm mới 2024, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam đã lên tới 6 người.
Trước đó, tháng 10/2023, ông Nguyễn Đăng Quang không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD do cổ phiếu MSN biến động.
Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes |
Ông Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên lọt vào danh sách những tỷ phú USD giàu nhất của Forbes năm 2018. Đến cuối năm 2019, ông Quang rớt khỏi danh sách của Forbes. Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đạt mức cao nhất theo xếp hạng của Forbes là 1,9 tỷ USD hồi tháng 4/2022.
Theo Forbes, Việt Nam có 6 tỷ phú USD gồm: ông Phạm Nhật Vượng (4,6 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (1 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD), ông Trần Đình Long (2,3 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (1,5 tỷ USD), và ông Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD).
Ngoài ra, theo bảng xếp hạng 500 tỷ phú của Bloomberg Billionaire Index được công bố mới đây, Chủ tịch HĐQT Vingroup và hãng xe điện VinFast Phạm Nhật Vượng đã lọt vào danh sách này với khối tài sản đạt 9,14 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 255. Với khối tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng của Bloomberg.
Bloomberg ghi nhận tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 9,1 tỷ USD |
Trong nhiều tháng qua, Bloomberg chưa tính toán tài sản của ông Vượng hình thành từ hãng xe điện VinFast. Công ty xe điện của Việt Nam đã niêm yết hơn 2,3 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ hồi tháng 8. Cổ phiếu VFS biến động rất mạnh, từ mức chào sàn khoảng 23 USD/cp lên mức trên 90 USD/cp sau đó biến động, có lúc về mức 5 USD/cp. Gần đây, cổ phiếu VinFast ổn định quanh mức 7-8 USD/cp.
Trong khi đó, theo Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tính tới 3/1 ở mức 4,6 tỷ USD. Tổ chức này có thể vẫn chưa tính tài sản hình thành từ hãng xe điện VinFast.
Gần cuối tháng 8/2023, Forbes tính toán ông Vượng có tài sản lên tới 66 tỷ USD. Tỷ phú Vượng có lúc giàu thứ 16 hành tinh và thứ hai châu Á khi VinFast có vốn hóa lên tới trên 200 tỷ USD. Tuy nhiên, Forbes quyết định tính toán lại và coi VinFast như một công ty tư nhân chưa niêm yết trong bối cảnh cổ phiếu VFS biến động mạnh.