Các tiểu thương chợ Đồng Xuân ký cam kết không kinh doanh hàng lậu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội)- trong năm 2014, Đội QLTT số 2 đã xử lý 129 vụ kinh doanh hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, phạt tiền 817 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy hơn 1,1 tỷ đồng. 5 năm qua, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 697 vụ hàng giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, xử phạt hành chính gần 5 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy gần 120 ngàn sản phẩm giả.
Hiện công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn do một số hãng chủ sở hữu nhãn hiệu chưa phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng nên còn thiếu thông tin về hàng thật, hàng giả để xử lý. Bên cạnh đó, do tâm lý người tiêu dùng còn thích sử dụng hàng ngoại, hàng có thương hiệu với giá rẻ nên hàng giả vẫn còn điều kiện tồn tại. Ý thức chấp hành của người kinh doanh chưa tốt, vì lợi nhuận nên lén lút kinh doanh. Sự vào cuộc của một số chính quyền cơ sở, các ban quản lý chợ chưa quyết liệt.
Ngày 31/3/2015, Chi cục QLTT Hà Nội và Công ty Louis Vuitton Malletier đã ký Biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Việc phối hợp giữa DN và cơ quan chức năng sẽ giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác chống hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. |
Dự báo năm 2015, tình trạng buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ thường xuyên liên hệ trao đổi với các chủ sở hữu để nắm thông tin về nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm và cách phân biệt hàng hóa thật- giả, công khai thông tin về đối tượng vi phạm.
Tuy nhiên, trong khi các lực lượng chức năng nỗ lực chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì các DN cho rằng, các thủ tục hành chính hiện quá phức tạp là nguyên nhân khiến họ không mặn mà tham gia vào cuộc chiến chống vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo ông Vương Trí Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội- trong đấu tranh chống vi phạm sở hữu trí tuệ, nếu thiếu sự tham gia chủ động tích cực của chủ thể sở hữu thì sẽ thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, trong các chương trình hợp tác của QLTT Hà Nội rất cần sự tham gia chủ động của các chủ thể sở hữu. Theo đó, các chủ thể sở hữu cần nhanh chóng giám định khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra để việc xử lý bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, đồng thời thường xuyên thông tin về tình trạng hàng hóa bị giả mạo, cung cấp các tài liệu hướng dẫn việc nhận biết hàng hóa giả mạo để cơ quan kiểm tra dễ nhận biết.