CôngThương - Mỗi năm, các chương trình khuyến công tạo 8.000-10.000 việc làm cho lao động nông thôn, nâng thu nhập bình quân khối lao động này lên 1,8 triệu đồng/tháng vào năm 2015, thu hẹp dần khoảng cách giàu, nghèo giữa thành thị và nông thôn. Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội dành tổng kinh phí thực hiện chương trình là 235 tỷ đồng (trong đó kinh phí thành phố hỗ trợ 86 tỷ đồng), thực hiện 7 chương trình khuyến công gồm: chương trình truyền nghề, nhân cấy nghề và đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động khuyến công.
Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn Phát triển công nghiệp Hà Nội - những năm gần đây, CNNT Hà Nội đã góp phần không nhỏ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động ngoại thành… Giai đoạn 2005 – 2010, với tổng kinh phí được thành phố giao 34,31 tỷ đồng, các chương trình khuyến công địa phương đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp Thủ đô lên trên 16%, trong đó riêng giá trị sản xuất CNNT tăng 19,25%. Hơn 4 vạn lao động nông thôn được tạo việc làm, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các huyện ngoại thành tăng trên 20%, góp phần giải bài toán đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nói riêng. Nhiều cơ sở CNNT từ chỗ sản xuất manh mún trở thành doanh nghiệp lớn với trang thiết bị, nhà xưởng khang trang. Bên cạnh đó, công tác khuyến công còn tạo liên kết chặt chẽ hơn cho các cơ sở sản xuất CNNT cùng ngành nghề, giúp giải quyết được vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ và cải thiện ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công của Hà Nội cũng còn không ít khó khăn, như: Vai trò gắn kết của các hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả; tác động của khoa học, công nghệ với khu vực doanh nghiệp CNNT còn hạn chế; việc đầu tư manh mún và thiếu đồng bộ; chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp CNNT ít được mở rộng và đổi mới mà chủ yếu là thị trường truyền thống; thế mạnh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa được khai thác triệt để... CNNT Hà Nội 5 năm tới được dự báo có những bước phát triển đột phá, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu kém, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên thương trường. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong số này còn rất nhiều làng “trắng nghề", tức là làng thuần nông. Trong khi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, đất đai bị thu hồi nhiều để phát triển công nghiệp, đô thị khiến một lượng lớn lao động dôi dư không được đào tạo cơ bản. Bởi vậy, bên cạnh "Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020 - tầm nhìn 2030", TP.Hà Nội cần có nhiều hơn chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khu vực này. Đặc biệt, việc hỗ trợ kinh phí khuyến công phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nhất là hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, tìm kiếm mặt bằng, mở rộng quy mô sản xuất; đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh…