Đầu tư công nghệ: Hướng đi tất yếu
Bước ngoặt chuyển mình
Cũng như nhiều ngành sản xuất khác, để cạnh tranh và phát triển, Công ty Cổ phần Chế tạo bơm Hải Dương xác định phải đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH&CN). Theo đó, từ năm 2011, công ty đã triển khai thực hiện dự án đầu tư "Nhà máy chế tạo bơm" với tổng số vốn 150 tỷ đồng để xây dựng mới nhà xưởng, đổi mới công nghệ và mua sắm trang thiết bị sản xuất, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Đầu tư đổi mới công nghệ là yếu tố quyết định của doanh nghiệp |
Tiếp đó, công ty đã được Bộ KH&CN, Bộ Công Thương ký giao thực hiện Dự án KH&CN cấp nhà nước "Nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu". Thực hiện dự án, công ty đã đầu tư nhiều thiết bị công nghệ và các thiết bị đo kiểm cho dây chuyền đúc, các máy CNC cho dây chuyền gia công cơ khí. Đặc biệt, hệ thống thử nghiệm bơm của công ty sau đầu tư là một hệ thống thử bơm lớn nhất Việt Nam và tiên tiến trong khu vực.
Tương tự, Công ty Gốm sứ Minh Long cũng đã đầu tư hàng triệu USD để nhập hệ thống máy móc sản xuất hiện đại từ các nước có nền khoa học tiên tiến. Chẳng hạn, nhập lò nung của Đức và kết hợp những bí quyết sáng tạo riêng của công ty để điều chỉnh các chi tiết của lò nung, từ đó có thể điều chỉnh ngọn lửa phù hợp với từng sản phẩm để cho ra màu men độc đáo, tạo độ mịn và chiều sâu.
Minh Long còn chế tạo thành công khuôn đúc bằng thủy lực cho máy dập ép thủy lực cao để sản xuất nhiều loại sản phẩm với đa dạng về kiểu dáng; chế tạo máy phối men - màu tự động điều khiển máy qua vi tính. Nhờ đó, công ty đang chiếm 80% thị phần hàng gốm sứ cao cấp ở thị trường nội địa, tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 30%.
Nắm bắt cơ hội tăng trưởng
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc đầu tư đổi mới công nghệ hay chuyển đổi số trong các DN là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất, bởi đây là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, DN sớm muộn sẽ thất bại.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - cho rằng, chuyển đổi số được xem như vấn đề sống còn của các DN trong bối cảnh hiện tại. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để chuyển đổi số nhanh chóng. Việc nắm bắt thời cơ ngàn năm có một sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên trường quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Giám đốc mảng ứng dụng Oracle Việt Nam, với góc nhìn mới, khách hàng của chúng tôi đang nhìn nhận các khoản đầu tư cho công nghệ như cách để DN có thể đứng vững, chuyển đổi số mạnh mẽ, thích ứng và sẵn sàng nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới sau cuộc khủng hoảng hiện nay. "Dự kiến, những tháng tới đây, nền kinh tế số sẽ trở thành nền kinh tế trọng điểm và các công ty công nghệ sẽ đóng vai trò là những "cố vấn đáng tin cậy" cho các DN" - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, nhu cầu đổi mới công nghệ của DN khá lớn. Các DN bây giờ đã hiểu rằng, để có thể ra sản phẩm tốt, cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động phải bằng công nghệ. Đặc biệt, dưới sức ép từ việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bắt buộc DN phải đổi mới công nghệ, không còn có thể tận dụng những thế mạnh khác như đất đai, lao động rẻ…
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ hội quan trọng nhất của DN khi các Hiệp định thương mại tự do thực thi là cơ hội nhập khẩu từ các nước với thuế suất ưu đãi. Vì thế, DN phải nhận diện rõ mức độ cạnh tranh, nguồn lực để có sự chuẩn bị nhằm không bỏ lỡ cơ hội phát triển. |