Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025: Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% là cần thiết
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng vốn giải ngân đầu tư công (ĐTC) 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt chưa đến 30% kế hoạch. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Đúng vậy, giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm của nước ta chỉ đạt 29,02% kế hoạch Chính phủ giao, đây là một kết quả thấp, nhưng theo tôi có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, 6 tháng đầu năm chúng ta diễn ra nhiều sự kiện như Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, rồi kiện toàn Chính phủ mới, nên có sự thay đổi nhân sự trong các bộ, nhành, địa phương, vì thế các đồng chí lãnh đạo chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực này cũng cần có thời gian để xem xét, thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Thứ 2, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, nên cũng làm ảnh hưởng đến tình hình giải ngân vốn ĐTC và môi trường đầu tư trong nước, khiến các dự án ĐTC bị chậm tiến độ, chậm giải ngân.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
ĐTC tại Việt Nam vẫn được đánh giá là nền tảng cho môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung, tạo cơ hội cải thiện hạ tầng và thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước, việc giải ngân vốn ĐTC chậm được triển khai sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiến độ hoàn thiện hạ tầng và tăng trưởng kinh tế. Do đó, tôi vẫn hy vọng sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, cùng với các giải pháp thúc đẩy ĐTC được đẩy mạnh, tình hình giải ngân sẽ được triển khai mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
Theo ông, để tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% và số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn như Kế hoạch ĐTC trung hạn nêu ra, giải pháp nào là quan trọng nhất?
Theo tôi, mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch ĐTC trung hạn là rất tham vọng, nhưng cũng cần được đặt ra, cần phấn đấu đạt được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ĐTC vẫn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thì việc thúc đẩy giải ngân ĐTC càng phải được chú trọng.
Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ trên, chúng ta cần triển khai một loạt các giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật ĐTC có liên quan đến đất đai. Bởi nếu như giá đất của Nhà nước chênh lệch quá lớn với giá thị trường thì sẽ tạo ra thách thức trong giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các dự án ĐTC theo đúng tiến độ. Đặc biệt, thiếu khung khổ pháp lý cũng sẽ dẫn đến việc chúng ta khó thu hút được những nhà đầu tư có chất lượng tham gia vào các dự án ĐTC.
Do đó, cần sớm hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đất đai, nhằm khắc phục những rủi ro cho các dự án ĐTC liên quan đến đất đai. Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung hoàn chỉnh Luật ĐTC cho phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự gia tăng của kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Tất cả điều đó đòi hỏi khung pháp luật về ĐTC cũng cần có sự tiến bộ rõ rệt, rõ ràng, đồng bộ để thu hút nhà đầu tư tham gia.
Số lượng dự án ĐTC giai đoạn 2021 - 2025 được cắt giảm xuống còn 5.000 dự án, theo ông điều này có hạn chế được dàn trải, lãng phí trong ĐTC không?
Tôi rất hoan nghênh việc cắt giảm số dự án ĐTC xuống còn 5.000 dự án. Điều này là phù hợp, vì Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng, ĐTC thời gian qua quá dàn trải, lãng phí và tỷ lệ giải ngân thấp.
Tuy vậy, để chấm dứt được dàn trải, lãng phí trong ĐTC thì bên cạnh hoàn thiện khung pháp luật, Chính phủ cần có những hành động quyết đoán hơn nữa trong thực hiện các dự án ĐTC. Cụ thể, cần nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu và triển khai các dự án, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để quyết liệt xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, tôi cũng kiến nghị Chính phủ cần nâng cao hiệu lực giám sát của các tổ chức quần chúng, xã hội dân sự, báo chí trong thực hiện dự án ĐTC. Vì như đã biết, ĐTC là nơi mà lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân rất dễ lạm dụng, nên càng công khai, minh bạch thì càng hạn chế được lạm dụng, thất thoát, lãng phí vốn của Nhà nước.
Đặc biệt, ĐTC là lĩnh vực đòi hỏi trình độ hiểu biết về chuyên môn rất cao, nếu không đủ trình độ chuyên môn để giám sát thì có khi nhìn vào cũng không phát hiện ra những sai phạm của dự án. Nên bên cạnh việc đẩy mạnh giám sát của người dân, báo chí, cần phát huy sự giám sát của các tổ chức xã hội, hiệp hội chuyên ngành, có trình độ chuyên môn về lĩnh vực này. Để làm được điều này, Nhà nước cần thành lập một hội đồng chuyên ngành, chuyên môn, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài về để giám sát dự án. Vì chi phí thuê một hội đồng như vậy còn thấp hơn nhiều so với những lãng phí do lạm dụng của các tổ chức, cá nhân tạo ra trong các dự án đầu tư công.
Xin cảm ơn ông!