Đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy: Đừng tiếc nhỏ mà mất lớn!
Diễn biến cháy, nổ rất phức tạp
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm (2012 - 2016) trên toàn quốc đã xảy ra 11.461 vụ cháy, làm chết 360 người, bị thương 957 người, thiệt hại về tài sản do cháy gây ra ước tính trị giá hơn 6.147 tỷ đồng. Trong năm 2018, cả nước xảy ra 4.182 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và cháy rừng, làm chết 90 người, bị thương 208 người, thiệt hại về tài sản trị giá 2.014 tỷ đồng và 1.067 ha rừng. Ngoài ra, năm 2018 còn ghi nhận 44 vụ nổ, làm chết 10 người, bị thương 54 người, thiệt hại về tài sản 543,3 triệu đồng.
Không chỉ đầu tư hệ thống phòng, chữa cháy mà cần bảo trì, bảo dưỡng và thực hành thường xuyên |
Như vậy, trung bình mỗi năm xảy ra 2.230 vụ cháy, làm chết 72 người, bị thương 191 người, thiệt hại khoảng 1.229 tỷ đồng và trung bình mỗi ngày xảy ra 6 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản khoảng 3,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, giá trị thiệt hại do cháy, nổ gây ra ở các thành phố lớn và các tỉnh có khu công nghiệp, đô thị phát triển chiếm tới trên 70% tổng giá trị thiệt hại. Nếu tính cả thiệt hại gián tiếp (ngừng sản xuất kinh doanh; đầu tư khôi phục sau cháy, nổ...) thì tổng thiệt hại sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nhiều vụ cháy đã để lại hậu quả nặng nề cho con người, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng chủ yếu là do con người thiếu ý thức và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Minh chứng là số vụ cháy, nổ do ý thức chủ quan của con người gây ra (do sơ suất, vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, đốt...) chiếm tỷ lệ tới 56% tổng số vụ cháy, nổ.
Thiếu tá Đoàn Tự Lập: Không ít đơn vị, doanh nghiệp, chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến hệ thống phòng cháy chữa cháy ở bước đầu mà chưa quan tâm đúng mức đến việc vận hành hệ thống sau khi đưa vào sử dụng |
Bên cạnh đó, một số nơi những người có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy, chưa cháy, nhất là công tác kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư các công trình lớn trong việc trang bị phương tiện tại chỗ đảm bảo các quy định hiện hành. Đặc biệt, ở nhiều nơi, người dân vẫn coi việc phòng cháy, chữa cháy là của lực lượng Công an, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy... nên công tác triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế, nhất là trong bố trí, đào tạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, trang bị phương tiện, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ….
Một nguyên nhân rất đáng quan tâm khác, theo Thiếu tá Đoàn Tự Lập - Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - cho biết, là các đơn vị, doanh nghiệp, chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến hệ thống phòng cháy chữa cháy ở bước đầu như lập hồ sơ thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu mà chưa quan tâm đúng mức đến việc vận hành hệ thống sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống. Đặc biệt là trạm bơm chữa cháy và tủ điều khiển - trái tim của hệ thống chữa cháy tự động sử dụng nước - chưa được quan tâm đúng mức.
“Hiện nay các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trạm bơm nước chữa cháy” – Thiếu tá Lập nói và cho biết, Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ chủ trì, xây dựng Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm bơm nước chữa cháy. Hiện Cục đã gửi dự thảo xin ý kiến rộng rãi tới các cơ quan, doanh nghiệp để sớm ban hành.
Thiết bị đạt chuẩn là yếu tố tiên quyết
Chia sẻ thông tin về vấn đề này tại cuộc hội thảo về công nghệ bơm chữa cháy vừa được các hãng công nghệ hàng đầu, như: Pentair Aurora, Diesel Clarke, Tornatech… tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thiết bị và các bên liên quan tới phòng cháy, chữa cháy đều cho rằng, yếu tố hiệu quả, an toàn của hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy trở thành mối quan tâm hàng đầu tại các cao ốc, văn phòng ở đô thị Việt Nam.
Theo ông Hoàng Ngọc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ điều khiển chất lỏng (KTN) - khi Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với hệ thống bơm chữa cháy thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và sử dụng sản phẩm máy bơm của các thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới là cần thiết.
Phân tích sâu hơn, ông Khánh cho rằng, sau những sự cố cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thời gian qua, việc thẩm duyệt, lắp đặt, nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy mới thực sự được nhìn nhận nghiêm túc. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống hiện đại thì cũng cần quan tâm đến việc bảo trì, kiểm định định kỳ hệ thống sau lắp đặt, nhất là máy bơm chữa cháy và nguồn nước chữa cháy nói riêng.
Ông Hoàng Ngọc Khánh: Chi phí đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động sử dụng nước chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị đầu tư công trình xây dựng |
Chi tiết hơn, vị đại diện KTN cho biết, khi xây các công trình đều phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tại chỗ để phục vụ công tác chữa cháy. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình cũng đã quy định rõ những tiêu chí về hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, mức độ an toàn, hệ thống thang thoát hiểm. Bộ Công an có quy định quy chuẩn riêng về hệ thống chữa cháy và các thiết bị chữa cháy. Và để đảm bảo hệ thống chữa cháy tại chỗ vận hành tốt khi có hỏa hoạn xảy ra thì có hai hạng mục đặc biệt quan trọng là máy bơm chữa cháy và nguồn nước chữa cháy.
Một thông tin rất đáng quan tâm từ ông Khánh khi cho biết, hiện ở Việt Nam có nhiều hãng đến từ Mỹ, Anh, Canada cung cấp thiết bị bơm qua các nhà thương mại, bán sản phẩm, song nếu tính toán chi phí cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động sử dụng nước thì chi phí chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị đầu tư công trình.
“Như vậy, việc các chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động sử dụng nước không hẳn do giá cả” – ông Khánh khẳng định và thông tin thêm, hầu hết các đơn vị cung cấp thiết bị chữa cháy hiện nay đều có đội ngũ nhân sự thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách hàng lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Thậm chí, KTN đã xây dựng cuốn sách quy chuẩn về bảo trì, bảo dưỡng gửi khách hàng để theo dõi, ghi nhận thông số, ghi nhận tình trạng thiết bị với mong muốn khách hàng sử dụng hiệu quả nhất thiết bị.