Việc tăng đàn khiến thịt gia cầm dư thừa |
Dư cung do tăng đàn
Theo phản ánh của nhiều địa phương, gần đây, giá thịt gà công nghiệp và trứng gia cầm giảm mạnh gây khó khăn cho nhiều hộ chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi theo quy mô công nghiệp.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, trên thực tế, thịt gà đã giảm giá từ tháng 2, 3/2017, trước khi xảy ra khủng hoảng dư thừa thịt lợn. Thậm chí, có thời điểm, giá gà giảm xuống mức thấp nhất 5 năm vừa qua. Gà công nghiệp giảm còn 15.000 - 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gà thả vườn vẫn giữ giá ổn định khoảng 67.000 đồng/kg. Tháng 4/2017, giá gà có dấu hiệu tăng khoảng 50% nhưng 2 tuần đầu tháng 5, giá xuống bằng mức tháng 2 và 3. Đối với trứng gia cầm, giá cũng giảm do nguồn cung dư thừa. Dự báo năm 2017, sản lượng trứng khoảng 9,5 tỷ quả, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 9 tỷ quả.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn gà thịt của Việt Nam đến đầu năm 2017 là gần 214 triệu con, tăng gần 5% so với đầu năm 2016. |
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng từ giá thịt lợn, một trong những nguyên nhân chính khiến sản phẩm gia cầm gặp khó khăn là do người chăn nuôi tăng đàn với mức tăng từ 5-8%/năm. Các hộ chăn nuôi gà cũng không định hướng xuất khẩu tiểu ngạch như thịt lợn mà chỉ tiêu dùng trong nước.
Cũng theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, sản phẩm trứng gặp khó khăn hơn thịt gà do chỉ bảo quản được một tháng và không bảo quản đông lạnh lâu được. Người dân cũng không đầu tư trang thiết bị bảo quản trứng.
Tập trung giải pháp thị trường
Bà Lê Việt Nga nhận định, dù khó khăn nhưng sản phẩm thịt gia cầm tồn đọng sẽ không đến mức trầm trọng như thịt lợn và dễ giải quyết hơn.
Về tình hình tồn dư trứng của một số hộ chăn nuôi ở Đồng Nai và Vĩnh Phúc, Vụ Thị trường trong nước đã cùng Sở Công Thương làm việc trực tiếp, đưa ra giải pháp thúc đẩy thị trường. Đến nay, giá trứng đã tăng từ 1.100 đồng lên 1.300 – 1.400 đồng/quả. Sản phẩm tồn đọng cơ bản giải quyết hết.
Để phát triển thị trường gia cầm bền vững, bà Lê Việt Nga cho hay, thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình thị trường, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như cơ quan, địa phương nhằm đưa ra giải pháp phù hợp. Theo đó, tập trung đẩy mạnh chế biến, giảm chi phí, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm...
Liên quan đến thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm nói chung và gia súc, gia cầm nói riêng, đại diện Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) - thông tin: Đơn vị đã chủ động trao đổi với một số tỉnh biên giới để nắm bắt thêm thông tin về tình hình xuất khẩu tiểu ngạch. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản khuyến cáo địa phương về thị trường xuất khẩu và các rủi ro khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, hạn chế việc tăng đàn theo phong trào khiến dư cung trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ đạo các vụ chức năng và đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường; tăng cường phối hợp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tuyên truyền và đưa ra giải pháp phù hợp, không chỉ đối với sản phẩm gia cầm, thịt lợn, mà còn những sản phẩm khác của ngành nông nghiệp.