Du khách thăm quan Nhà tù Sơn La
CôngThương - Hiện nay, du lịch hoài niệm thăm chiến trường xưa dang phát triển khá mạnh tại Tuyên Quang (Tân Trào), Thái Nguyên (ATK), Sơn La (nhà tù Sơn la), Quảng Bình (hang Tám Cô, đường 20), Quảng Trị (địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương, nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh, đảo Cồn Cỏ), Hà Tĩnh (ngã ba Đồng Lộc), TP.HCM (địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), Bà Rịa - Vũng Tàu (nhà tù Côn Đảo), Kiên Giang (nhà tù Phú Quốc)…
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, việc phát triển du lịch hoài niệm đã góp phần đầu tư tôn tạo, nâng cấp hệ thống di tích, cơ sở hạ tầng được cải thiện, các dịch vụ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, lượng khách nội địa tăng mạnh, bước đầu thu hút được khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương những nơi có di tích. Việc triển khai chương trình du lịch hoài niệm đã tạo dựng môi trường tốt để giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành hiện nay lại chưa thật sự mặn mà khai thác dòng sản phẩm du lịch này. Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Tiếp thị Vietravel - cho biết, đa số các di tích cơ sở vật chất còn yếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản phẩm nghèo nàn, hướng dẫn viên chưa hiểu biết sâu sắc về điểm đến... Các điểm đến hầu như đã có bảo tàng, có giới thiệu nhưng chưa khơi gợi được hình ảnh xưa. Du khách muốn đến tận nơi ngày xưa ở, những điểm trước đóng quân, đi trên con đường làng ngày nào…, nhưng những vấn đề này lại chưa được địa phương chú trọng.
Bà Hồ Kim Dung - Phó giám đốc Kênh du lịch Việt - cho rằng, việc ngành du lịch triển khai chương trình này tuy hơi muộn, nhưng có vẫn hơn không. Bởi theo bà Dung, những người đã trải qua chiến tranh tại Việt Nam vẫn còn sống nhiều, họ luôn mong muốn quay lại thăm chiến trường xưa cũng như đưa người thân tới nơi này. Hơn nữa, đa số những địa danh lịch sử gắn với chiến tranh còn nghèo, phát triển loại hình du lịch này sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đây còn là hoạt động ngoại giao nhân dân tích cực và hiệu quả, hướng tới hòa bình, hợp tác, hữu nghị.
Để phát triển sản phẩm này, cần tăng cường bảo tồn những di tích xưa, những địa điểm lính đóng quân và cho du khách được tự do hơn trong vùng chiến sự. Qua thực tế, rất nhiều khách (nhất là phi công) có yêu cầu được thuê trực thăng để ngắm chiến trường xưa nhưng hầu như không được cấp phép. Bên cạnh đó, giá thuê trực thăng ở Việt Nam rất cao... Vì vậy, cơ hội thu hút khách du lịch bị bỏ lỡ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Trước mắt, tập trung vào một số địa phương có hệ thống di tích chiến tranh nổi bật như: Điện Biên với hệ thống di tích chiến thắng Điện Biên Phủ; Quảng Trị với địa đạo Vĩnh Mốc, Thành cổ, Nghĩa trang Trường Sơn...; Quảng Nam - Quảng Ngãi với đường mòn Hồ Chí Minh, chứng tích Sơn Mỹ...; TP.Hồ Chí Minh với địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất...; Tây Ninh với núi Bà Đen... |