Đẩy mạnh liên kết và cải thiện môi trường kinh doanh
Tin hoạt động 06/10/2017 18:13
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chủ trì Hội nghị |
Công nghiệp duy trì ổn định, xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Trước hết về sản xuất công nghiệp, mặc dù năm 2016 gặp nghiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) khu vực phía Bắc đạt 2.765 nghìn tỉ đồng, tăng 12,8% với năm 2015. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 67,538 nghìn tỷ đồng, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.418,4 nghìn tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp một số địa phương tăng cao, như: Bắc Giang; Hà Tĩnh; Hải Phòng; Hà Nam; Tuyên Quang; Thái Bình...
Đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp của khu vực đó là một số địa phương như: Vùng đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ: có Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh phúc Hải Dương, Nam Định; Hà Nam Bắc Ninh. Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ có Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Hoà Bình, Phú Thọ. Tuy nhiên, còn một số địa phương có mức tăng trưởng thấp và chưa đạt như kỳ vọng, do đó kéo theo mức tăng trưởng chung của toàn khu vực đạt thấp.Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của khu vực giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: than, quặng, thiết bị điện, điện tử; sắt thép, gang; quần áo các loại; xi măng; bia…
9 tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 16,7% so với cùng kỳ. 12/28 có chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng cao hơn mức tăng chung của cả nước. Trong đó có một số địa phương tăng cao như Cao Bằng tăng 58,35%, Hà Tĩnh tăng trên 46%, Bắc Giang tăng 28% và Ninh Bình tăng trên 25%...
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Về thương mại nội địa, 9 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ toàn khu vực ước đạt 1.022 nghìn tỉ đồng, tăng 10,08% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của cả nước. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu năm 2016, các tỉnh khu vực phái Bắc đạt kim ngạch xuất khẩu 85,43 tỉ USD (tăng 13,4% so với năm 2015) và trong 9 tháng đầu năm 72,87 tỉ USD tăng 18,6% so với cùng kỳ…
Cùng các kết quả đáng ghi nhận từ hoạt động khuyến công, công tác xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, phát triển thương mại điện tử, trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 công tác liên kết vùng khu vực phía Bắc trong lĩnh vực công thương cũng đã đạt những kết quả tích cực trong trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối tiêu thụ hàng hóa.
Cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy thế mạnh
Tại Hội nghị, cùng đại diện của ngành Công Thương các tỉnh còn có sự góp mặt của nhiều đại biểu là lãnh đạo các địa phương. Ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển cụm công nghiệp, đặc biệt là vẫn đề môi trường gắn với các làng nghề. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng gửi những đề xuất đến Bộ Công Thương về việc giúp địa phương về chính sách trong việc thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển phát triển công nghiệp hỗ trợ… Cũng về vấn đề phát triển cụm công nghiệp, đại diện Sở Công Thương tỉnh Lào Cai và Yên Bái đặt vẫn đề về khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thu hút các doanh nghiệp vào cụm công nghiệp. Theo đó các địa phương kiến nghị cần dành nhiều ưu đãi và có cơ chế riêng cho khu vực miền núi…Vấn đề cấp điện cho khu vực nông thôn, phát triển chợ, xây dựng thương hiệu và liên kết, quy hoạch vùng theo lĩnh vực ngành hàng nhận được nhiều đề xuất kiến nghị từ các địa phương…
Với những đề xuất, kiến nghị, trước thềm Hội nghị các địa phương đã gửi những kiến nghị này đến Bộ Công Thương, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương đã có những giải đáp thấu đáo. Cụ thể với 95 đề xuất, kiến nghị của các điạ phương về lĩnh vực năng lượng, đầu tư lưới điện, chính sách khuyến công, xuất nhập khẩu hàng hóa… đã được trả lời cụ thể và gửi câu trả lời đến từng đại biểu. Những vấn đề cần bổ sung cũng đã được giải đáp tại Hội nghị hoặc đưa ra hướng giải quyết, tháo gỡ.
Sở Công Thương Phú Thọ trao cờ tổ chức Hội nghị năm 2018 cho Sở Công Thương Nghệ An |
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả đạt trên lĩnh vực công thương của các tỉnh khu vực phía Bắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam…
Do đó, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2017 (GDP cả nước năm 2017 phấn đầu đạt 6,7%), góp phần quan trọng và việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020 và các mục tiêu chung của ngành Công Thương, ngoài những giải pháp đã đề ra, thời gian tới, các sở Công Thương cần tập trung một số nội dung: Triển khai nghiêm Nghị quyêt số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các Chương trình hành động của ngành Công Thương. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch và các dự án trên địa bàn, loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Tích cực phối hợp với Bộ Công Thương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm. Cùng với đó, rà soát về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, loại bỏ những điều kiện làm khó doanh nghiệp... Các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư các lĩnh vực công nghiệp có tiếm năng, thế mạnh, tăng cường thu hút xã hội hóa hạ tầng thương mại, làm tốt công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế để giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp những qui định mới, áp dụng hiệu quả các kết quả do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.