Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị ở Hà Nội: Bài học cần rút kinh nghiệm
Với chủ trương xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố nhằm thay thế các loại cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, không chuẩn quy cách, mục nát, ảnh hưởng mỹ quan, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, để hướng tới mục tiêu: tạo cảnh quan đường phố đẹp; an toàn giao thông đô thị và bảo vệ môi trường.
Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai thay thế những loại cây như trên. Năm 2012, Hà Nội đã chặt hạ 634 cây, thay thế và trồng bổ sung 975 cây; năm 2013, đã chặt hạ 400 cây, thay thế và trồng bổ sung 1.446 cây; năm 2014, đã chặt hạ 541 cây, thay thế và trồng bổ sung 915 cây. Đây là việc làm cần thiết để góp phần bảo đảm cảnh quan đô thị, và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, đối với Đề án cải tạo thay thế 6.700 cây thì lại gặp sự phản đối từ dư luận. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền khi triển khai chưa được chú trọng, dẫn tới sự bức xúc trong nhân dân, trong đó có cả sự nghi ngờ về tính thiếu minh bạch, công khai của đề án.
Thực tế, năm nay có rất nhiều cây to đẹp nằm trong vùng giải tỏa dự án giao thông bị chặt hạ, đã gây hiểu nhầm cho người dân. Mặt khác, theo Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị, con số 6.700 cây xanh bị thay thế sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm (2015 – 2017) chứ không phải riêng trong năm 2015 như một số trang thông tin đã đưa.
Trước phản ứng từ dư luận, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu Sở Xây dựng nghiêm túc kiểm điểm, tạm đình chỉ công tác của một số lãnh đạo, chuyên viên liên quan để phục vụ công tác thanh tra; tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, người dân để điều chỉnh hoàn thiện đề án. Khi tạo được đồng thuận của người dân, mới tiếp tục triển khai. Thành phố cũng đã thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua. Tới đây, Hà Nội sẽ có báo cáo chi tiết những vấn đề liên quan đến quá trình thay thế cây xanh đến Thủ tướng, Ban Bí thư.
Chủ trương thay thế cây cong nghiêng, cây sâu mục, cây không đúng chủng loại cây đô thị của Hà Nội là cần thiết, đảm bảo cho sự văn minh, an toàn của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, Hà Nội cần công khai tình trạng phát triển của từng cây, cây nào đã đến lúc cần thay thế, những cây sẽ chặt hạ được sử dụng vào mục đích gì, cây trồng thay thế là cây gì… cần được minh bạch, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận từ nhân dân.